Số 040921 – Hướng dẫn xin giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Kính gửi Quý khách hàng, 

Pháp luật Việt Nam cho phép doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc với các vị trí quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật…. Công ty Luật ENT xin được gửi tới quý khách hàng tổng hợp thông tin pháp lý cần biết liên quan đến thủ tục cấp giấy phép lao động của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

I. VĂN BẢN PHÁP LUẬT

Các văn bản pháp luật được dẫn chiếu trong bài viết này bao gồm:

1. Bộ luật lao động ban hành ngày 20/11/2019;

2. Luật Doanh nghiệp ban hành ngày 17/6/2020;

3. Nghị định 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (“Nghị định 152”).

II. THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

“Giấy phép lao động” là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho phép người nước ngoài được làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Trên giấy phép lao động có ghi rõ thông tin về người lao động, bao gồm họ tên, số hộ chiếu, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu; tên và địa chỉ của tổ chức nơi làm việc, vị trí làm việc.

1. Đối tượng được cấp giấy phép lao động tại Việt Nam

Pháp luật Việt Nam quy định các hình thức để người lao động nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam tại Nghị định số 152, cụ thể:

    • Thực hiện hợp đồng lao động;
    • Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
    • Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;
    • Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng;
    • Chào bán dịch vụ;
    • Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
    • Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;
    • Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam.

Đối với các hình thức trên, người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam cần xin giấy phép lao động, trừ một số trường hợp sau:

    • Người lao động là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên;
    • Người lao động là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên;
    • Người lao động là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam;
    • Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm: kinh doanh, thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch, văn hóa giải trí và vận tải;
    • Người lao động vào Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn về chuyên môn và kỹ thuật hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác phục vụ cho công tác nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, theo dõi đánh giá, quản lý và thực hiện chương trình, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo quy định hay thỏa thuận trong các điều ước quốc tế về ODA đã ký kết giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và nước ngoài;
    • Người lao động được Bộ Ngoại giao cấp giấy phép hoạt động thông tin, báo chí tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
    • Được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu tại trường quốc tế thuộc quản lý của cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc Liên hợp quốc; các cơ sở, tổ chức được thành lập theo các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia;
    • Tình nguyện viên quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 152;
    • Vào Việt Nam làm việc tại vị trí quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 03 lần trong 1 năm;
    • Vào Việt Nam thực hiện thỏa thuận quốc tế mà cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp tỉnh ký kết theo quy định của pháp luật;
    • Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; học viên thực tập, tập sự trên tàu biển Việt Nam;
    • Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam quy định tại điểm I khoản 1 Điều 2 Nghị định 152;
    • Có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;
    • Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
    • Được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận là người lao động vào Việt Nam để giảng dạy, nghiên cứu;
    • Người lao động vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ;
    • Người lao động vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được;
    • Người lao động là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của Luật Luật sư;
    • Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
    • Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Đối tượng có thể bảo lãnh xin cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài bao gồm:

    • Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
    • Nhà thầu tham dự thầu, thực hiện hợp đồng;
    • Văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập;
    • Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp;
    • Tổ chức phi chính phủ nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy đăng ký theo quy định của Pháp luật Việt Nam;
    • Tổ chức sự nghiệp, cơ sở giáo dục được thành lập theo quy định của pháp luật;
    • Tổ chức quốc tế, văn phòng của dự án nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;
    • Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc của nhà thầu nước ngoài được đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật;
    • Tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;
    • Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;
    • Hộ kinh doanh, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Điều kiện để được cấp giấy phép lao động

Theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Lao động, để xin giấy phép lao động, thì lao động nước ngoài phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

    • Người lao động nước ngoài phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
    • Người lao động nước ngoài phải có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.
    • Người lao động nước ngoài phải không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.
    • Người lao động nước ngoài phải là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật, có đầy đủ các giấy tờ chứng minh theo quy định tại Điều 3 Nghị định 152 như sau:
    • Đối với vị trí chuyên gia: có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và xác minh kinh nghiệm ít nhất 3 năm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam, được hợp pháp hóa lãnh sự; Hoặc, được xác minh kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm và chứng chỉ hành nghề phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam, được hợp pháp hóa lãnh sự.
    • Lao động kỹ thuật: Có chứng chỉ đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và xác nhận kinh nghiệm ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo, được hợp pháp hóa lãnh sự; Hoặc, xác minh kinh nghiệm ít nhất 05 năm tại vị trí công việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.
    • Giám đốc điều hành, nhà quản lý: Là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

3. Hồ sơ và thủ tục xin cấp giấy phép lao động

Thủ tục xin cấp giấy phép lao động sẽ được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài

Trừ nhà thầu, tất cả người sử dụng lao động có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài đều cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ giải trình về nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài để giải trình lên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xin chấp thuận từ cơ quan này ít nhất 30 ngày trước ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.

Hồ sơ bao gồm:

    • Bản sao y Đăng ký kinh doanh;
    • Công văn đăng ký nhu cầu tuyển dụng:
    • Công văn giải trình mẫu 01/PLI ban hành kèm theo Nghị định 152 nếu đây là lần đầu tiên Người sử dụng lao động đăng ký và nhận được chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài; hoặc
    • Công văn giải trình theo mẫu 02/PLI ban hành kèm theo Nghị định 152 nếu Người sử dụng lao động đã từng được chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài nhưng có thay đổi nhu cầu sử dụng.
    • Giấy giới thiệu/ giấy ủy quyền (nếu người đi nộp hồ sơ không phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp).

Thời gian xét duyệt để chấp thuận là 10 ngày làm việc.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ cấp giấy phép lao động

Trong quá trình đợi chấp thuận tại Bước 1, người lao động nước ngoài và người sử dụng lao động sẽ chuẩn bị các giấy tờ sau:

    • Văn bản đề nghị cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài theo Mẫu số 11/PLI;
    • Bản hợp pháp hóa lãnh sự và bản dịch tiếng việt Giấy chứng nhận sức khỏe khám tại nước ngoài hoặc bản gốc giấy khám sức khỏe khám tại Việt Nam tại các bệnh viện, phòng khám, có sở y tế đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế (trong vòng 12 tháng);
    • Bản hợp pháp hóa lãnh sự và bản dịch tiếng việt Lý lịch tư pháp của người nước ngoài cấp tại nước ngoài hoặc bản gốc Lý lịch tư pháp cho người nước ngoài cấp tại Việt Nam, được cấp trong vòng 6 tháng;
    • Bản sao công chứng hộ chiếu và visa của người nước ngoài;
    • Văn bản chứng minh là quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật, giáo viên (Bằng đại học, giấy xác nhận kinh nghiệm làm việc nước ngoài tối thiểu là 03 năm, v.v). Các giấy tờ này cần được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt;
    • 02 ảnh (kích cỡ 4×6, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu), ảnh chụp không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;
    • Các giấy tờ liên quan đến người lao động nước ngoài tùy từng trường hợp cụ thể (Quyết định bổ nhiệm của công ty mẹ, hợp đồng lao động, Điều lệ công ty…).

Sau khi có Văn bản thông báo chấp thuận vị trí công việc sử dụng lao động nước ngoài cấp theo Bước 1, người sử dụng lao động sẽ bổ sung bản gốc văn bản này vào hồ sơ làm giấy phép lao động để nộp trừ những trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Bước 3: Nộp hồ sơ xin giấy phép lao động

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cần được nộp lên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tại tỉnh mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc ít nhất 15 ngày trước ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc. Nếu hồ sơ đủ và hợp lệ, người nộp sẽ nộp phí làm Giấy phép lao động và nhận giấy hẹn trả kết quả. Nếu không, người nộp sẽ được hướng dẫn bổ sung hoàn thiện hồ sơ. Thời gian xử lý giấy phép lao động thường là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Bước 4: Nhận giấy phép lao động

Trong vòng 05 ngày làm việc, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép lao động cho người làm việc nước ngoài theo Mẫu 12/PLI ban hành kèm theo Nghị định 152. Trong trường hợp bị từ chối, Bộ hoặc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Đối với người lao động nước ngoài thuộc trường hợp thực hiện hợp đồng lao động, sau khi người lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động thì người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động.

4. Thời hạn giấy phép lao động Việt Nam

Giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây nhưng không quá 02 năm:

    • Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết;
    • Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam;
    • Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài;
    • Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa các đối tác Việt Nam và nước ngoài;
    • Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ;
    • Thời hạn đã được xác định trong giấy phép hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
    • Thời hạn trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để thành lập hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ đó;
    • Thời hạn trong văn bản chứng minh người lao động nước ngoài được tham gia vào hoạt động của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam;
    • Thời hạn trong văn bản chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài trừ trường hợp không phải thực hiện báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định 152.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.