Bản tin pháp lý tháng 12/2021 – Thủ tục thành lập công đoàn cơ sở


Kính gửi Quý khách hàng,

Theo quy định tại Luật Công đoàn 2012, việc thành lập công đoàn cơ sở (“CĐCS”) hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của người lao động, người sử dụng lao động không bắt buộc phải thành lập công đoàn. Tuy nhiên, do pháp luật khuyến khích việc xây dựng CĐCS trong doanh nghiệp, ENT xin gửi tới Quý khách hàng hướng dẫn chi tiết về thủ tục thành lập công đoàn thông qua bài viết dưới đây.

Điều kiện thành lập CĐCS[1]

CĐCS là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, được thành lập khi đáp ứng các điều kiện:

1. Được thành lập ở một hoặc một số đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp[2].

2. Có từ 05 đoàn viên hoặc 05 người lao động trở lên, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Trình tự, thủ tục thành lập CĐCS[3]

Bước 1: Thành lập ban vận động thành lập CĐCS (“Ban vận động”)

Những nơi chưa có CĐCS, người lao động tự nguyện lập Ban vận động.

Ban vận động thực hiện tuyên truyền, vận động, tiếp nhận đơn xin gia nhập công đoàn của người lao động.

Trong quá trình Ban vận động tiến hành vận động người lao động gia nhập công đoàn, liên kết thành lập CĐCS, các thành viên Ban vận động cử trưởng Ban vận động và liên hệ công đoàn cấp trên gần nhất để được hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ.

Khi có đủ điều kiện thành lập CĐCS theo quy định, Ban vận động tổ chức đại hội thành lập CĐCS và đăng ký với công đoàn cấp trên xem xét, công nhận CĐCS.

Bước 2: Tổ chức đại hội thành lập CĐCS (“Đại hội”)

Thành phần dự Đại hội gồm:

1. Ban vận động.

2. Người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam.

3. Đại diện công đoàn cấp trên, người sử dụng lao động và các thành phần khác (nếu có) cùng dự, chứng kiến Đại hội.

Việc tổ chức điều hành Đại hội do Ban vận động thực hiện; có thể mời thêm đoàn viên, người lao động ngoài Ban vận động, có kinh nghiệm, uy tín tham gia điều hành hoặc làm thư ký Đại hội.

Nội dung Đại hội gồm:

1. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

2. Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và công tác chuẩn bị tổ chức thành lập CĐCS.

3. Công bố danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn.

4. Tuyên bố thành lập CĐCS.

5. Đại diện công đoàn cấp trên phát biểu (nếu có).

6. Người sử dụng lao động phát biểu (nếu có).

7. Bầu cử ban chấp hành CĐCS.

8. Bầu cử chủ tịch CĐCS.

9. Thông qua kế hoạch hoạt động của CĐCS.

Việc bầu cử tại Đại hội thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín[4]. Phiếu bầu cử tại Đại hội phải có chữ ký của trưởng Ban vận động ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

Những nơi do điều kiện sản xuất, kinh doanh, không thể triệu tập toàn thể người lao động có đơn xin gia nhập công đoàn dự Đại hội thì Ban vận động tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự và phát phiếu bầu cử ban chấp hành, chủ tịch CĐCS cho đoàn viên tại các phòng, ban, tổ, đội, phân xưởng, nhóm công việc; đồng thời thực hiện công tác kiểm phiếu theo quy định và công bố kết quả bầu cử để toàn thể đoàn viên được biết.

Kết thúc Đại hội, Ban vận động bàn giao toàn bộ hồ sơ đại hội cho ban chấp hành hoặc đồng chí chủ tịch mới được bầu, gồm cả danh sách Ban vận động để lưu hồ sơ, tài liệu thành lập CĐCS.

Ban vận động chấm dứt nhiệm vụ sau khi tổ chức thành công Đại hội.

Bước 3: Họp ban chấp hành CĐCS (“Ban chấp hành”)

Chủ tịch CĐCS tổ chức họp Ban chấp hành trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi kết thúc Đại hội để bầu ban thường vụ, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra công đoàn (nếu đủ điều kiện). Quá trình chuẩn bị cần liên hệ công đoàn cấp trên để được hướng dẫn.

Bước 4: Đề nghị công nhận CĐCS

Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc Đại hội, Ban chấp hành phải lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét, công nhận, gồm có:

1. Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, CĐCS và kết quả bầu cử Ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra và các chức danh của Ban chấp hành, ủy ban kiểm tra công đoàn.

2. Danh sách đoàn viên và đơn xin gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động.

3. Danh sách trích ngang lý lịch ủy viên Ban chấp hành, ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra CĐCS.

4. Biên bản Đại hội.

5. Biên bản kiểm phiếu bầu cử tại Đại hội và biên bản bầu cử tại hội nghị Ban chấp hành (nếu có).

Bước 5: Ra quyết định công nhận CĐCS

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ thành lập CĐCS, công đoàn cấp trên có trách nhiệm thẩm định quá trình thành lập CĐCS đảm bảo tính tự nguyện, khách quan; việc bầu cử tại Đại hội và bầu cử tại hội nghị Ban chấp hành theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Trường hợp CĐCS thành lập đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì Ban hành quyết định công nhận đoàn viên, CĐCS, Ban chấp hành và các chức danh của Ban chấp hành theo quy định.

Trường hợp không đủ điều kiện công nhận đoàn viên hoặc CĐCS hoặc các chức danh được bầu, công đoàn cấp trên thông báo bằng văn bản để tập thể người lao động được biết; đồng thời hướng dẫn thực hiện đúng quy trình, thủ tục để được công nhận, hoặc tiếp tục tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện liên kết thành lập CĐCS theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Bước 6: Khi được công đoàn cấp trên công nhận, Ban chấp hành thực hiện các thủ tục khắc dấu; đồng thời triển khai tổ chức các hoạt động theo quy định của Điều lệ và Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; hướng dẫn của công đoàn cấp trên và kế hoạch hoạt động đã được thống nhất Hội nghị.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.

———————————————————-

[1] Theo Điều 13.1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

[2] Theo Mục 11 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ, CĐCS được thành lập trong các đơn vị sử dụng lao động gồm:

  • Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả các công ty con trong nhóm công ty; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có trụ sở đặt tại địa phương khác).
  • Hợp tác xã có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
  • Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập hạch toán độc lập.
  • Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.
  • Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
  • Cơ quan tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
  • Trường hợp đơn vị sử dụng lao động không đủ điều kiện thành lập CĐCS, hoặc theo nguyện vọng liên kết của người lao động, có thể thành lập CĐCS ghép trong nhiều đơn vị sử dụng lao động.
  • [3] Theo Điều 14 Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Mục 12 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ.

[4] Theo Mục 8 Hướng dẫn 03/HD-TLĐ.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.