Số 010622 – Phân biệt đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và theo quy định của Luật Thương mại

Kính gửi Quý khách hàng,

 Đấu thầu là một phương thức giao dịch đặc biệt, theo đó, chủ đầu tư (hay bên sử dụng dịch vụ) đặt ra một số yêu cầu nhất định mà nếu bên cung ứng hàng hoá, dịch vụ đáp ứng được những yêu cầu đó, thì hai bên có thể tiến hành thực hiện giao dịch theo các điều khoản và điều kiện đã thiết lập. Như vậy, ở góc độ khái quát, đấu thầu là một phương thức lựa chọn nhằm thiết lập quan hệ công việc  dựa trên các yêu cầu của một bên, với sự đáp ứng các yêu cầu đó của bên còn lại.

Pháp luật hiện hành của Việt Nam phân biệt các trường hợp đầu thấu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hoá, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu với các hoạt động đấu thầu hàng hoá, dịch vụ theo quy định của Luật Thương mại. Để phân biệt sự khác nhau của các trường hợp này, chúng tôi tóm tắt một số tiêu chí của pháp luật hiện hành có liên quan để Quý khách hàng tham khảo.

Đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu tại Việt Nam

 Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế[1].

Nói tóm lại, hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu là một phương thức lựa chọn mà trong đó các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước (bên mời thầu) chủ động mời các đơn vị có chuyên môn, năng lực tham gia đề xuất phương án cung cấp hàng hoá, dịch vụ (bên dự thầu), dựa trên các yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa, giá cả và chế độ bảo hành đối với hàng hóa (hồ sơ mời thầu); hoặc đưa ra các yêu cầu cụ thể để lựa chọn nhà đầu tư nhằm phát triển dự án. Thông qua quy trình đấu thầu, bên mời thầu lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ, hàng hoá hay nhà đầu tư đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm hay các dự án cần phát triển. Hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu có điểm đặc biệt là sử dụng vốn Nhà nước hoặc cho các dự án phát triển của doanh nghiệp nhà nước hoặc cho việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng.

Đấu thầu hàng hoá, dịch vụ theo quy định của Luật Thương mại

 Khác với bản chất lựa chọn trong hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu, đấu thầu hàng hoá, dịch vụ theo Luật Thương mại là một hoạt động thương mại dù cũng mang tính chất lựa chọn, theo đó một bên mua hàng hoá, dịch vụ thông qua mời thầu (gọi là bên mời thầu) nhằm lựa chọn trong số các thương nhân tham gia đấu thầu (gọi là bên dự thầu) thương nhân đáp ứng tốt nhất các yêu cầu do bên mời thầu đặt ra và được lựa chọn để ký kết và thực hiện hợp đồng (gọi là bên trúng thầu)[2]. Luật Thương mại đã nêu rõ những quy định trong phạm vi của luật này sẽ không áp dụng với hoạt động đấu thầu mua sắm công, là các hoạt động chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu[3].

Một số tiêu chí phân biệt

Bảng dưới đây tổng hợp một số tiêu chí phân biệt hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu và  đấu thầu hàng hoá, dịch vụ theo Luật Thương mại:

Tiêu chí Đấu thầu theo Luật Đấu thầu Đấu thầu theo Luật Thương mại
Căn cứ pháp lý Luật Đấu thầu 2013.

 

Luật Thương mại 2005.
Chủ thể tham gia (i).         Cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu;

(ii).        Bên mời thầu (Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước);

(iii).      Nhà thầu;

(iv).      Các cá nhân, đơn vị tư vấn (nếu có).

(i).         Bên mời thầu (Có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân);

(ii).       Bên dự thầu (Bắt buộc là thương nhân);

(iii).      Các cá nhân, đơn vị tư vấn (nếu có).

Nguồn vốn của bên mời thầu Ngân sách nhà nước. Không sử dụng ngân sách nhà nước.
Hình thức đấu thầu (i).         Đấu thầu rộng rãi;

(ii).        Đấu thầu hạn chế;

(iii).      Chỉ định thầu;

(iv).      Mua sắm trực tiếp;

(v).       Chào hàng cạnh tranh;

(vi).      Tự thực hiện;

(vii).     Chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

(i).         Đấu thầu rộng rãi;

(ii).        Đấu thầu hạn chế.

 

Phương thức đấu thầu (i).         Một giai đoạn, một túi hồ sơ;

(ii).        Một giai đoạn, hai túi hồ sơ;

(iii).      Hai giai đoạn, một túi hồ sơ;

(iv).      Hai giai đoạn, hai túi hồ sơ.

(i).         Một túi hồ sơ;

(ii).       Hai túi hồ sơ.

 

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

 

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

———————————————————-

[1] Điều 4 Luật Đấu thầu 2013, sửa đổi bởi điểm d Khoản 1 Điều 99 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020.

[2] Khoản 1 Điều 214 Luật Thương mại 2005.

[3] Khoản 2 Điều 214 Luật Thương mại 2005.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.