Kính gửi Quý khách hàng
Ngày 20/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2025/NĐ-CP (“Nghị định 70”) nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (“Nghị định 123”) về hóa đơn, chứng từ. Nghị định 70 đã đưa ra nhiều thay đổi đáng chú ý về thời điểm lập hóa đơn, việc tích hợp giữa biên lai thu thuế, phí, lệ phí và hóa đơn đối với người mua, cùng với các cải cách thủ tục hành chính liên quan đến việc sử dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Nghị định 70 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/06/2025.
Chính vì vậy, trong Bản tin pháp lý số này, chúng tôi trân trọng gửi đến Quý Khách hàng bản phân tích dưới đây nhằm làm rõ các nội dung chính của Nghị định 70 và những tác động pháp lý có thể phát sinh trong thực tiễn áp dụng.
1. Bổ sung luồng xác thực sinh trắc học của người nộp thuế khi đăng ký, thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử
Nhằm ngăn chặn tình trạng giả mạo thông tin cá nhân để thành lập doanh nghiệp và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, Nghị định 70 đã bổ sung quy định về xác thực sinh trắc học trong quy trình đăng ký và thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử. Biện pháp này góp phần tăng cường tính bảo mật và đảm bảo tính xác thực trong quản lý thuế điện tử, phù hợp với định hướng chuyển đổi số.
Cụ thể, trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế sẽ tự động đối chiếu thông tin người nộp thuế (bao gồm dữ liệu sinh trắc học) với Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc Hệ thống định danh và xác thực điện tử. Nếu thông tin không khớp, hệ thống sẽ gửi thông báo từ chối kèm chi tiết các trường thông tin sai lệch để người nộp thuế điều chỉnh. Nếu thông tin chính xác, hệ thống sẽ gửi yêu cầu xác nhận qua email hoặc số điện thoại; người nộp thuế phải xác nhận trong ngày hoặc chậm nhất ngày làm việc tiếp theo. Nếu không xác nhận hoặc xác nhận không thành công, hồ sơ sẽ bị từ chối.
Trường hợp người nộp thuế thuộc nhóm có rủi ro như: mã số thuế không hoạt động, nợ thuế, vi phạm về hóa đơn hoặc có lịch sử vi phạm, cơ quan thuế sẽ yêu cầu giải trình hoặc tiến hành xác minh thực tế tại địa chỉ đăng ký. Nếu giải trình hợp lệ hoặc xác minh xác nhận hoạt động thực tế, hồ sơ sẽ được chấp thuận; ngược lại, cơ quan thuế sẽ từ chối đăng ký và nêu rõ lý do.[1]
2. Tích hợp hóa đơn điện tử với biên lai thu ngân sách
Một bước tiến đáng kể trong cải cách thủ tục hành chính. Trước đây, doanh nghiệp và tổ chức phải lập đồng thời hóa đơn và biên lai riêng biệt, gây trùng lặp và tốn kém trong công tác quản lý. Giờ đây, theo quy định tại Điều 1.3(b) Nghị định 70, từ ngày 01/6/2025, trong trường hợp tổ chức thu đồng thời tiền bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và các khoản thuế, phí, lệ phí từ cùng một khách hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc tổ chức thu có thể lập một chứng từ điện tử duy nhất để giao cho khách hàng. Chứng từ này vừa đóng vai trò là hóa đơn điện tử, vừa là biên lai thu thuế, phí, lệ phí – với điều kiện đảm bảo đầy đủ nội dung theo yêu cầu của cả hai loại giấy tờ và tuân thủ định dạng dữ liệu điện tử do cơ quan thuế quy định.
Việc hợp nhất hai loại chứng từ này giúp giảm thiểu giấy tờ, tiết kiệm chi phí và thuận tiện hơn trong kê khai, quyết toán thuế. Việc này cũng tạo thuận lợi trong công tác kiểm tra, đối chiếu của cơ quan thuế, đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc dữ liệu. Tuy nhiên, việc triển khai tích hợp phải tuân thủ định dạng chuẩn theo quy định của Bộ Tài chính và đáp ứng điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, bảo mật dữ liệu và khả năng kết nối hệ thống với cơ quan thuế.
3. Bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ
Theo quy định tại Điều 1.4 Nghị định 70 sửa đổi, bổ sung Điều 5.2 Nghị định 123 về các hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ. Cụ thể các hành vi bị cấm bao gồm:
(i) Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn; làm giả hóa đơn, chứng từ để thực hiện hành vi trái pháp luật;
(ii) Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể: các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;
(iii) Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;
(iv) Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính;
(v) Không chuyển dữ liệu điện tử về cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định này.
Như vậy, so với quy định trước đây, Nghị định 70 đã bổ sung hai hành vi đáng chú ý vào danh mục cấm: (i) làm giả hóa đơn, chứng từ với mục đích thực hiện hành vi trái pháp luật, và (ii) không thực hiện nghĩa vụ chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử về cơ quan thuế đúng quy định.
Việc mở rộng các hành vi bị nghiêm cấm cho thấy quyết tâm của Nhà nước trong việc siết chặt quản lý, đảm bảo tính minh bạch và kỷ cương trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ. Do đó, các doanh nghiệp và tổ chức cần chủ động rà soát lại hệ thống hóa đơn, quy trình nội bộ cũng như năng lực công nghệ thông tin để đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các quy định mới, tránh các rủi ro pháp lý trong thời gian tới.
4. Làm rõ thời điểm lập hóa đơn điện tử trong các tình huống đặc thù
Một trong những điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 70 là việc bổ sung và làm rõ thời điểm lập hóa đơn điện tử [2] trong các tình huống đặc thù những trường hợp vốn gây nhiều lúng túng cho doanh nghiệp và tổ chức do thiếu hướng dẫn cụ thể trong các văn bản trước đây. Việc quy định chi tiết thời điểm lập hóa đơn giúp thống nhất cách hiểu và thực hiện, giảm thiểu sai sót, cũng như tăng tính tuân thủ của người nộp thuế. Cụ thể như sau:
4.1 Đối với hàng hóa xuất khẩu
Theo quy định tại Điều 9.1 Nghị định 70, Chính phủ quy định rõ đối với xuất khẩu hàng hóa (bao gồm cả gia công xuất khẩu), thời điểm lập hóa đơn thương mại điện tử, hóa đơn giá trị gia tăng điện tử hoặc hóa đơn bán hàng điện tử do người bán tự xác định nhưng chậm nhất không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan theo quy định pháp luật về hải quan.
4.2. Đối với các trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác
Trường hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không, hoạt động cung cấp điện (Điều 9.4(h) Nghị định 123), cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt, nước, dịch vụ truyền hình, dịch vụ quảng cáo truyền hình, dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ bưu chính và chuyển phát (bao gồm cả dịch vụ đại lý, dịch vụ thu hộ, chi hộ), dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ logistic, dịch vụ công nghệ thông tin (trừ trường hợp quy định tại Điều 9.4(b) Nghị định 123) được bán theo kỳ nhất định, dịch vụ ngân hàng (trừ hoạt động cho vay), chuyển tiền quốc tế, dịch vụ chứng khoán, xổ số điện toán, thu phí sử dụng đường bộ giữa nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với người mua.
4.3. Đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô
Thời điểm lập hóa đơn bán dầu thô, condensate, các sản phẩm được chế biến từ dầu thô (bao gồm cả hoạt động bao tiêu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ) là thời điểm bên mua và bên bán xác định được giá bán chính thức, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với hoạt động bán khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than được chuyển bằng đường ống dẫn khí đến người mua: Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm bên mua, bên bán xác định khối lượng khí giao của tháng nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai, nộp thuế đối với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về thuế (trước đây quy định chậm nhất không quá 07 ngày kế tiếp kể từ ngày bên bán gửi thông báo lượng khí giao hàng tháng).
Trường hợp thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ có quy định khác về thời điểm lập hóa đơn thì thực hiện theo quy định tại thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ.
4.4. Quy định cụ thể thời điểm lập hóa đơn với hoạt động cho vay, đổi ngoại tệ
Theo quy định mới, thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động cho vay được xác định theo kỳ hạn thu lãi tại hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng đi vay, trừ trường hợp đến kỳ hạn thu lãi không thu được và tổ chức tín dụng theo dõi ngoại bảng theo quy định pháp luật về tín dụng thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu được tiền lãi vay của khách hàng.
Trường hợp trả lãi trước hạn theo hợp đồng tín dụng thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu lãi trước hạn. Đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế của tổ chức tín dụng, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm đổi ngoại tệ, thời điểm hoàn thành dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ.
Trong khi trước đây quy định điều khoản này quy định chung các trường hợp cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ chuyển tiền qua ví điện tử, dịch vụ ngừng và cấp điện trở lại của đơn vị phân phối điện cho người mua là cá nhân không kinh doanh (hoặc cá nhân kinh doanh) nhưng không có nhu cầu lấy hóa đơn thì cuối ngày hoặc cuối tháng đơn vị thực hiện xuất hóa đơn tổng căn cứ thông tin chi tiết từng giao dịch phát sinh trong ngày, trong tháng tại hệ thống quản lý dữ liệu của đơn vị.
Đơn vị cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác nội dung thông tin giao dịch và cung cấp bảng tổng hợp chi tiết dịch vụ cung cấp khi cơ quan chức năng yêu cầu. Trường hợp khách hàng yêu cầu lấy hóa đơn theo từng giao dịch thì đơn vị cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn giao cho khách hàng.
4.5. Đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền theo quy định của pháp luật
Tại thời điểm kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền thực hiện lập hóa đơn điện tử cho khách hàng đồng thời chuyển dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo quy định.
4.6. Đối với hoạt động kinh doanh vé xổ số
Đối với hoạt động kinh doanh vé xổ số truyền thống, xổ số biết kết quả ngay (vé xổ số) theo hình thức bán vé số in sẵn đủ mệnh giá cho khách hàng thì sau khi thu hồi vé xổ số không tiêu thụ hết và chậm nhất là trước khi mở thưởng của kỳ tiếp theo, doanh nghiệp kinh doanh xổ số lập 01 hóa đơn giá trị gia tăng điện tử có mã của cơ quan thuế cho từng đại lý là tổ chức, cá nhân cho vé xổ số được bán trong kỳ gửi cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn.
4.7. Đối với hoạt động kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng
Đối với hoạt động kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng, thời điểm lập hóa đơn điện tử chậm nhất là 01 ngày kể từ thời điểm kết thúc ngày xác định doanh thu, đồng thời doanh nghiệp kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng chuyển dữ liệu ghi nhận số tiền thu được (do đổi đồng tiền quy ước cho người chơi tại quầy, tại bàn chơi và số tiền thu tại máy trò chơi điện tử có thưởng) trừ đi số tiền đổi trả cho người chơi (do người chơi trúng thưởng hoặc người chơi không sử dụng hết) theo Mẫu 01/TH-DT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan thuế cùng thời điểm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử. Ngày xác định doanh thu là khoảng thời gian từ 0 giờ 00 phút đến 23 giờ 59 phút cùng ngày.
5. Quy định chi tiết về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 123 được sửa đổi bởi Điều 1.8 Nghị định 70 (có hiệu lực từ ngày 01/06/2025) về những trường hợp phải sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế [3] , bao gồm:
(i) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại Điều 51.1 có mức doanh thu hằng năm từ 01 tỷ đồng trở lên, Điều 90.2, Điều 91.3 Luật Quản lý thuế 2019 và doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác);
(ii) Ăn uống; nhà hàng; khách sạn;
(iii) Dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim;
(iv) Dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam)
Như vậy, hiện nay, theo Nghị định 123, việc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền không bắt buộc. Tuy nhiên, từ ngày 01/6/2025, theo Nghị định 70, một số đối tượng như hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm, doanh nghiệp bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vận tải, giải trí… sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế.
6. Một số điểm mới phải lưu ý khi ghi nội dung hóa đơn [4]
STT | Nội dung hóa đơn | Quy định mới theo Nghị định 70 |
1 |
Tên, địa chỉ, mã số thuế người mua |
– Nếu người mua là đơn vị có quan hệ ngân sách, phải ghi rõ mã số đơn vị.
– Nếu người mua cung cấp mã số thuế hoặc số định danh cá nhân, hóa đơn phải thể hiện đầy đủ các thông tin này. |
2 |
Thông tin hàng hóa, dịch vụ |
– Dịch vụ vận tải phải ghi rõ biển số xe, hành trình.
– Giao dịch khuyến mại, cho, biếu, tặng phải có hóa đơn tổng, kèm danh sách chi tiết; doanh nghiệp chịu trách nhiệm lưu hồ sơ và cung cấp khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. |
3 |
Thời điểm ký số |
– Là thời điểm ký chữ ký số, hiển thị theo ngày/tháng/năm.
– Nếu thời điểm ký số khác với thời điểm lập hóa đơn, việc gửi dữ liệu lên cơ quan thuế phải hoàn thành chậm nhất vào ngày làm việc tiếp theo. |
4 |
Các trường hợp hóa đơn không bắt buộc đầy đủ thông tin | – Hóa đơn bán tại siêu thị, trung tâm thương mại cho cá nhân không kinh doanh không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký người mua.
– Hóa đơn bán xăng dầu và hoạt động casino, trò chơi điện tử có thưởng cũng tương tự. |
Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.
Công ty Luật TNHH ENT
Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây
————————————————————————————–
[1] Đề 1.11 Nghị định 70. [2] Điều 1.6 Nghị định 70. [3] Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế (sau đây gọi là hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền) là hóa đơn có mã của cơ quan thuế hoặc dữ liệu điện tử để người mua có thể truy xuất, kê khai thông tin hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập từ hệ thống tính tiền, dữ liệu được chuyển đến cơ quan thuế theo định dạng được quy định tại Điều 12 Nghị định này. [4] Khoản 3 Điều 1 Nghị định 70..
Số 030922 – Thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức thực hiện hợp đồng lao động
Kính gửi Quý khách hàng, Với nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài ngày một tăng, ngày...
Th9
BẢN TIN PHÁP LÝ SỐ THÁNG 07/2022 – LƯƠNG TỐI THIỂU THEO VÙNG TỪ THÁNG 7/2022
Kính gửi Quý khách hàng, Ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP (“NĐ 38”) quy định...
Th7
Bản Tin Pháp Lý Tháng 11/2021 – Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Kính gửi Quý khách hàng, Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã công bố bản dự thảo...
Th11
Bản tin pháp lý tháng 10/2021 – Thông qua gói miễn giảm thuế TNDN, TNCN, GTGT
Kính gửi Quý khách hàng, Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trên cả nước,...
Th11