Bản tin pháp lý số tháng 10/2024 – Các quy định mới về phòng cháy chữa cháy dành cho doanh nghiệp

Kính gửi Quý khách hàng,

Ngày 10/07/2024, Bộ Công An đã ban hành Thông tư số 32/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 149/2020/TT-BCA (“Thông tư 149”) ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công An quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (“PCCC”) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP (“Nghị định 136”) ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và Thông tư số 08/2018/TT-BCA ngày 05 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công An quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2017/NĐ-CP (“Nghị định 83”) ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính Phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC (“Thông tư 32”). Theo đó, Thông tư 32 đã sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy; thời hạn thực tập phương án chữa cháy (“PACC”); hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC… chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 24/8/2024.

Chính vì vậy, trong Bản tin pháp lý số này, chúng tôi sẽ tổng hợp và làm rõ các quy định mới về PCCC mà các doanh nghiệp cần quan tâm trong thời gian tới.

1. Sửa đổi về hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC

Căn cứ theo Điều 1.1 Thông tư 32, hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC của cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC (“Nghị định 50”) do người đứng đầu cơ sở lập, lưu giữ sẽ bao gồm các hồ sơ như sau:

  • Quyết định ban hành nội quy, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về PCCC; quyết định phân công chức trách, nhiệm vụ trong thực hiện công tác PCCC của cơ sở (nếu có);
  • Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC, văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC đã được cấp;
  • Bản sao bản vẽ tổng mặt bằng thể hiện giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, bố trí công năng của các hạng mục, dây chuyền công nghệ trong cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);
  • Quyết định thành lập đội PCCC cơ sở, đội PCCC chuyên ngành đối với trường hợp phải thành lập theo quy định;
  • Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (“PCCC & CNCH”) do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp;
  • PACC cơ sở được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kế hoạch, báo cáo kết quả tổ chức thực tập PACC cơ sở;
  • Biên bản kiểm tra về PCCC & CNCH của cơ quan, người có thẩm quyền; văn bản kiến nghị về PCCC; biên bản vi phạm, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC & CNCH; quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ hoạt động, quyết định phục hồi hoạt động của cơ quan có thẩm quyền (nếu có); báo cáo khi có thay đổi về điều kiện an toàn PCCC của cơ sở;
  • Báo cáo kết quả kiểm tra về PCCC định kỳ 06 tháng của người đứng đầu cơ sở;
  • Báo cáo vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn (nếu có); thông báo kết quả xác minh, giải quyết vụ cháy của cơ quan có thẩm quyền (nếu có);
  • Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ PCCC;
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với cơ sở thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ;
  • Tài liệu ghi nhận kết quả kiểm tra điện trở nối đất chống sét, kiểm định hệ thống, thiết bị, đường ống chịu áp lực theo quy định (nếu có).

Như vậy, để phù hợp các các quy định pháp luật mới về PCCC, Thông tư 32 đã tiến hành bổ sung một số hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC của cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 50 như:

  • Biên bản kiểm tra về PCCC theo Điều 16.3(d) Nghị định 136;
  • Báo cáo kết quả kiểm tra PCCC theo phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 50;
  • Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy nổ theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 67/2023/NĐ-CP.

2. Các đối tượng phải thành lập đội PCCC chuyên ngành

Bên cạnh việc sửa đổi hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, Thông tư 32 còn tiến hành sửa đổi về thành lập đội PCCC chuyên ngành tại Điều 13 Thông tư 149. Theo đó, các cơ sở sau đây phải tiến hành thành lập đội PCCC chuyên ngành:

  • Cơ sở hạt nhân;
  • Cảng hàng không, cảng biển;
  • Cơ sở khai thác và chế biến dầu mỏ, khí đốt;
  • Cơ sở khai thác than;
  • Cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ;
  • Kho dự trữ cấp quốc gia; kho dầu mỏ, sản phẩm dầu mỏ có tổng dung tích 15.000 m³ trở lên; nhà máy thủy điện có công suất từ 300 MW trở lên; nhà máy nhiệt điện có công suất từ 200 MW trở lên; cơ sở sản xuất phân đạm 180.000 tấn/năm trở lên; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có diện tích từ 50 ha trở lên. Trường hợp các cơ sở hoặc khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trong cùng một khuôn viên hoặc liền kề nhau và do một đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành được thành lập một đội PCCC chuyên ngành.

3. Thẩm quyền phê duyệt PACC

Từ ngày 24/08/2024, thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy[1] được quy định như sau:

  • Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an cấp tỉnh phê duyệt PACC của cơ quan Công an đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và PACC cơ sở;
  • Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt PACC của cơ quan Công an đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn được phân công thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và PACC cơ sở;
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt PACC khu dân cư thuộc phạm vi quản lý;
  • Người đứng đầu cơ sở[2] phê duyệt PACC cơ sở thuộc phạm vi quản lý;
  • Chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC phê duyệt PACC đối với phương tiện giao thông cơ giới thuộc phạm vi quản lý.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện theo thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, phê duyệt và lưu PACC cơ sở đã được phê duyệt; trường hợp không phê duyệt phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

4. Thực tập PCCC ít nhất một lần một năm  

Thông tư 32 sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Thông tư số 149 về thời hạn thực tập PACC[3] cụ thể như sau:

PACC cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, khu dân cư, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC phải được tổ chức thực tập ít nhất một lần một năm và thực tập đột xuất khi có yêu cầu bảo đảm về an toàn PCCC đối với các sự kiện đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tổ chức ở địa phương. Mỗi lần thực tập PACC có thể thực tập một hoặc nhiều tình huống khác nhau, nhưng phải bảo đảm tất cả các tình huống trong phương án lần lượt được tổ chức thực tập.

PACC của cơ quan Công an được tổ chức thực tập khi có yêu cầu của người có thẩm quyền phê duyệt PACC. Trước khi tổ chức thực tập phương án, cơ quan Công an có trách nhiệm tổ chức thực tập phương án phải thông báo bằng văn bản cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ sở nơi tổ chức thực tập trước thời điểm thực tập ít nhất 05 ngày làm việc và gửi yêu cầu huy động lực lượng, phương tiện cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được huy động tham gia thực tập phương án trước thời điểm thực tập ít nhất 05 ngày làm việc.

5. Các loại tem kiểm định phương tiện PCCC

Theo quy định tại Điều 1.6 Thông tư 32, tem kiểm định được dán trên các phương tiện PCCC được áp dụng theo quy định mới tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 50 đã được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC:

– Tem mẫu A dùng để dán lên các loại phương tiện: Máy bơm chữa cháy; dụng cụ (téc, phuy, bình, can) chứa chất chữa cháy quy định tại mục 3 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 50;

– Tem mẫu D dùng để dán lên các loại phương tiện: Van báo động, van tràn ngập của hệ thống chữa cháy; ống và phụ kiện đường ống phi kim loại dùng trong hệ thống cấp nước chữa cháy trong nhà hoặc dùng trong hệ thống chữa cháy tự động bằng nước, ống mềm dùng cho đầu phun chữa cháy;

– Tem mẫu B, C, E, G về cơ bản được giữ nguyên quy định cũ, không có nội dung quy định mới.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.

 ————————————

[1] Điều 1.3 Thông tư 32

[2] Những cơ sở này được quy định chi tiết tại Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định 50 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 136 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Nghị định số 83 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC.

[3] Điều 1.4 Thông tư 32.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.