Số 011022 – Người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp

Kính gửi Quý khách hàng,

Người đại diện theo pháp luật có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng trong hoạt động của mỗi công ty.

Trong phạm vi Hướng dẫn pháp lý này, những thông tin lưu ý về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp số 59/202sẽ được chúng tôi tổng hợp và làm rõ.

1.     Khái niệm

Người đại diện theo pháp luật (“NĐDTPL) của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật[1].

2.     Đối tượng có thể trở thành người đại diện pháp luật của doanh nghiệp

Điều 137 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 của Quốc hội ngày 24 tháng 11 năm 2015 quy định những người sau đây có thể làm đại diện theo pháp luật của công ty:

(i)      Người được pháp nhân chỉ định theo Điều lệ;

(ii)     Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;

(iii)    Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Theo quy định pháp luật hiện hành, đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (“CTTNHH MTV”) mà chủ sở hữu là tổ chức thì công ty phải có ít nhất một NĐDTPL là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là NĐDTPL của công ty[2].

Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (“CTTNHH HTV”) thì công ty phải có ít nhất một NĐDTPL là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là NĐDTPL của công ty[3].

Đối với công ty cổ phần (“CTCP”), trường hợp công ty chỉ có một NĐDTPL thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là NĐDTPL của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là NĐDTPL của công ty. Trường hợp công ty có hơn một NĐDTPL thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là NĐDTPL của công ty[4].

Đối với công ty hợp danh (“CTHD”), các thành viên hợp danh là NĐDTPLcủa công ty[5]. Khác với các loại hình doanh nghiệp trên, NĐDTPL của doanh nghiệp tư nhân (“DNTN”) chính là chủ doanh nghiệp[6].

3.     Số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Công ty trách nhiệm hữu hạn (“CTTNHH”) và CTCP có thể có một hoặc nhiều NĐDTPL. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của NĐDTPL của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một NĐDTPL thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng NĐDTPL. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng NĐDTPL chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi NĐDTPL của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả NĐDTPL phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan[7].

4.     Trường hợp người đại diện pháp luật của doanh nghiệp không cư trú tại Việt Nam

Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một NĐDTPL cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một NĐDTPL cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của NĐDTPL. Trường hợp này, NĐDTPL vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền[8].

Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo quy định mà NĐDTPL của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây[9]:

(i)     Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của NĐDTPL của DNTN cho đến khi NĐDTPL của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

(ii)    Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của NĐDTPL của CTTNHH, CTCP, CTHD cho đến khi NĐDTPL của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm NĐDTPL của doanh nghiệp.

5.     Trường hợp đặc biệt

Đối với CTTNHH HTV, nếu có thành viên là cá nhân làm NĐDTPL của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên còn lại đương nhiên làm NĐDTPL của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về NĐDTPL của công ty[10].

Trừ trường hợp nêu trên, đối với doanh nghiệp chỉ còn một NĐDTPL và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của NĐDTPL của doanh nghiệp hoặc chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm NĐDTPL của công ty[11].

6.     Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

 NĐDTPL của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây[12]:

(i)      Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;

(ii)     Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;

(iii)    Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của LDN.

NĐDTPL của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm nêu trên.

 

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với quý khách hàng trong thời gian tới.

 

Trân trọng,

 

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

——————————

[1] Điều 12.1 LDN 2020.

[2] Điều 79.3 LDN 2020.

[3] Điều 54.3 LDN 2020.

[4] Điều 137.2 LDN 2020.

[5] Điều 184.1 LDN 2020.

[6] Điều 190.3 LDN 2020.

[7] Điều 12.2 LDN 2020.

[8] Điều 12.3 LDN 2020.

[9] Điều 12.4 LDN 2020.

[10] Điều 12.6 LDN 2020.

[11] Điều 12.6 LDN 2020.

[12] Điều 13 LDN 2020.

 

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.