Bản Tin Pháp Lý Số 03/2025 – Nghị định số 49/2025/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2025 quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh

Kính gửi Quý khách hàng,

Ngày 28/02/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2025/NĐ-CP quy định về ngưỡng áp dụng tạm hoãn xuất cảnh (“Nghị định 49”). Nghị định này đặt ra các tiêu chí cụ thể về các ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ thuế từ đó làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính nhằm bảo đảm người nộp thuế thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Nghị định 49 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/02/2025.

Chính vì vậy, trong Bản tin pháp lý số này, chúng tôi sẽ phân tích chi tiết về từng ngưỡng nợ thuế áp dụng đối với từng đối tượng thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của Nghị định 49.

1. Đối tượng áp dụng

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 49, các đối tượng được áp dụng theo Nghị định này bao gồm:

  • Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế;
  • Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;
  • Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam có nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu;
  • Cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước và các tổ chức khác có liên quan đến việc thực hiện Nghị định 49.

Điều này cho thấy sự quyết tâm của Nhà nước trong việc đảm bảo mọi đối tượng đều phải tuân thủ nghĩa vụ thuế, không phân biệt quy mô hay hình thức kinh doanh. Đặc biệt, việc áp dụng đối với người xuất cảnh định cư cũng thể hiện sự nghiêm ngặt trong việc quản lý, đảm bảo nghĩa vụ thuế được hoàn thành trước khi rời khỏi quốc gia.

2. Ngưỡng tiền thuế nợ và thời gian nợ trong các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh[1]

STT

Đối tượng áp dụng Ngưỡng nợ thuế

Thời gian nợ

1

Cá nhân kinh doanh và chủ hộ kinh doanh.

Từ 50 triệu đồng trở lên.

Quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.

2

Cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Từ 500 triệu đồng trở lên.

Quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.

3

Cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Không quy định ngưỡng nợ cụ thể.

Quá thời hạn nộp theo quy định và sau 30 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

4

Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam.

Không quy định ngưỡng nợ cụ thể.

Quá thời hạn nộp theo quy định mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

 3. Thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh và hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh[2]

Nghị định 49 cũng quy định rằng khi người nộp thuế thuộc diện bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo Điều 124 Luật Quản lý thuế[3], cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế sẽ thông báo ngay về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cho cá nhân thuộc Mục 2.1 và Mục 2.2 nêu trên. Thông báo này được gửi qua tài khoản giao dịch thuế điện tử của người nộp thuế. Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan quản lý thuế thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.

Đối với người nộp thuế thuộc Mục 2.3 nêu trên, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh ngay sau khi ban hành Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Đối với người nộp thuế thuộc Mục 2.4 nêu trên, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế gửi thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử qua tài khoản giao dịch thuế điện tử của người nộp thuế ngay khi có thông tin về việc người Việt Nam chuẩn bị xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài chuẩn bị xuất cảnh. Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan quản lý thuế thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.

Sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo cho người nộp thuế quy định tại Mục 2.1, 2.2 và Mục 2.3 nêu trên về việc sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử hoặc thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế ban hành văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện tạm hoãn xuất cảnh.

Trường hợp người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế ban hành ngay thông báo hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thực hiện việc hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm nhận được thông báo của cơ quan quản lý thuế.

Thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh được gửi đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh bằng việc truyền nhận dữ liệu số giữa hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan quản lý thuế và cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Trường hợp không thực hiện được bằng phương thức điện tử thì cơ quan quản lý thuế gửi thông báo tạm hoãn xuất cảnh, huỷ bỏ tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh bằng văn bản giấy.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.

————————————————————————————–

[1] Điều 3 Nghị định 49.

[2] Điều 4 Nghị định 49.

[3] Điều 124 Luật Quản lý thuế 2019 [Trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế] được sửa đổi bổ sung theo Điều 6.13 Luật sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2024.

“2. Người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế.

3. Người nộp thuế có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

4. Người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt.

5. Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế khoanh tiền thuế nợ trong thời hạn khoanh nợ; không tính tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật này; được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế.

Việc nộp dần tiền thuế nợ được thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người nộp thuế xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định số lần nộp dần và hồ sơ, thủ tục về nộp dần tiền thuế nợ.

6. Không thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với người nộp thuế có nợ phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh.

7. Cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế trước khi xuất cảnh và có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.”

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.