Kính gửi Quý khách hàng,
Nhằm nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế, ngày 11/01/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 (“Nghị quyết 43”) về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội với nhiều nội dung doanh nghiệp cần quan tâm. Nghị quyết 43 sẽ có hiệu lực từ ngày 11/01/2022 đến ngày 01/01/2024. Những điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết này sẽ được nêu tại bài viết dưới đây.
Giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% trong năm 2022[1]
1. Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt[2].
Hướng dẫn cụ thể: Xem tại Nghị định 15/2022/NĐ-CP.
2. Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước[3]
Nằm trong chính sách đầu tư phát triển thuộc gói tài khóa, Nghị quyết 43 nêu rõ tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023, bao gồm:
1. Về y tế: bố trí tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị Covid-19, v.v.
2. Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh:
-
- Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua.
- Cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng.
3. Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: bổ sung tối đa 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai, v.v.
Hỗ trợ tiền thuê nhà[4]
Nghị quyết 43 cũng quy định rõ về chính sách tài khóa khác trong gói hỗ trợ lần này như:
1. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm (sử dụng khoảng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021).
2. Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội.
Giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19[5]
Nghị quyết 43 còn quy định nhiệm vụ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên các nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đồng thời, trong hai năm 2022 và 2023, Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 – 1% nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên thông qua thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, tiết giảm chi phí hoạt động.
Hiện nay, theo Điều 1.2 Thông tư 14/2021/TT-NHNN, các khách hàng sẽ được giảm lãi suất cho vay từ 23/01/2021 – 30/6/2022 khi không có khả năng trả nợ đúng hạn do ảnh hưởng của Covid-19 và có số dư nợ phát sinh trước 01/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp).
Các chính sách khác[6]
Nghị quyết 43 cũng cho phép áp dụng các chính sách khác để thực hiện Chương trình tập trung trong 2 năm 2022 và 2023, như giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.
Trân trọng,
Công ty Luật TNHH ENT
Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.
——————————————
[1] Theo Điều 3.1.1 Nghị quyết 43.
[2] Theo Điều 1.1 Nghị định 15.
[3] Theo Điều 3.1.2 Nghị quyết 43.
[4] Theo Điều 3.1.3 Nghị quyết 43.
[5] Theo Điều 3.2 Nghị quyết 43.
[6] Theo Điều 3.3 Nghị quyết 43.
Số 030922 – Thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hình thức thực hiện hợp đồng lao động
Kính gửi Quý khách hàng, Với nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài ngày một tăng, ngày...
Th9
BẢN TIN PHÁP LÝ SỐ THÁNG 07/2022 – LƯƠNG TỐI THIỂU THEO VÙNG TỪ THÁNG 7/2022
Kính gửi Quý khách hàng, Ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP (“NĐ 38”) quy định...
Th7
Bản Tin Pháp Lý Tháng 11/2021 – Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân
Kính gửi Quý khách hàng, Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã công bố bản dự thảo...
Th11
Bản tin pháp lý tháng 10/2021 – Thông qua gói miễn giảm thuế TNDN, TNCN, GTGT
Kính gửi Quý khách hàng, Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trên cả nước,...
Th11