Bản tin pháp lý số tháng 05/2022 – Tăng số giờ làm thêm tối đa của người lao động

Kính gửi Quý khách hàng,

Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng gia sản xuất và kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 ngày 23 tháng 3 năm 2022 (“NQ 17”) quy định về số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Trong phạm vi bài viết này, số giờ làm thêm trong 01 năm, trong 01 tháng của người lao động cũng như đối tượng được áp dụng và các chế tài liên quan đến quy định này sẽ được chúng tôi tổng hợp và làm rõ.

Số giờ làm thêm trong 01 năm[1]

Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:

a)     Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi;

b)     Người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

c)     Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

d)     Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

e)     Lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Số giờ làm thêm trong 01 tháng[2]

Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 01 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 01 tháng.

Sự đồng ý của người lao động khi làm thêm giờ

Trừ các trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 108 Bộ luật lao động[3], người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung sau đây[4]:

a)     Thời gian làm thêm;

b)     Địa điểm làm thêm;

c)     Công việc làm thêm.

Hai bên có thể đồng ý bằng việc ký kết văn bản riêng theo Mẫu số 01/PLIV Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Giới hạn số giờ làm thêm

Người sử dụng lao động bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng[5].

Thông báo tổ chức làm thêm cho người lao động

Khi tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, người sử dụng lao động phải thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại các nơi sau[6]:

a)     Nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm;

b)     Nơi đặt trụ sở chính, nếu trụ sở chính đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi người sử dụng lao động tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Việc thông báo phải được thực hiện chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày thực hiện làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm[7]. Văn bản thông báo theo Mẫu số 02/PLIV Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định145/2020/NĐ-CP.

Chế tài xử phạt hành chính

Người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền:

a)     từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu không thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương về việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm[8];

b)     từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng nếu huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động[9];

c)     Từ 5.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng tuỳ theo số người lao động bị vi phạm (từ 01 người đến 301 người trở lên) nếu có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại phần [Giới hạn số giờ làm thêm] của Bản tin pháp lý này[10].

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.

———————–

[1] Điều 1 NQ 17.

[2] Điều 2 NQ 17.

[3] Điều 108 BLDS:

Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật này và người lao động không được từ chối trong trường hợp sau đây:

a)     Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;

b)     Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm và thảm họa, trừ trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động”.

[4] Điều 59 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

[5] Điều 107.2(b) Bộ luật lao động.

[6] Điều 62.1 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

[7] Điều 62.2 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

[8] Điều 17.1(c) Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

[9] Điều 17.3(b) Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

[10] Điều 17.4 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.