ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

 

THƯ NGỎ

Với nhu cầu ra nước ngoài làm việc của người lao động tăng cao, đặc biệt sau bối cảnh dịch bệnh Covid đã được ngăn chặn, các quốc gia đã mở cửa trở lại cho mọi hoạt động kinh doanh, mua bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn triển khai dịch vụ xuất khẩu lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động trong nước. Tuy vậy, để có thể kinh doanh ngành nghề này, doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (thường gọi là “Giấy phép xuất khẩu lao động”) tại Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (“BLĐTBXH”), bởi đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Có nghĩa là, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định (như đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính, năng lực quản trị, năng lực vận hành, v.v.) thì mới được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.

Giấy phép xuất khẩu lao động là giấy phép kinh doanh đặc thù, mà chỉ khi doanh nghiệp được cấp giấy phép này, mới có thể triển khai các hoạt động đưa người lao động đi làm việc (xuất khẩu lao động) sang thị trường lao động của các quốc gia khác một cách hợp pháp, hợp lệ.

Với tư cách là hãng luật chuyên tư vấn về các hoạt động đầu tư – kinh doanh – thương mại và xử lý các vấn đề pháp lý trong quá trình vận hành của doanh nghiệp, Công ty Luật TNHH ENT (“ENT”) hân hạnh cung cấp dịch vụ xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động, thực hiện phù hợp với các quy định và chính sách hiện hành. Để doanh nghiệp có cái nhìn khái quát về quy trình xin cấp loại giấy phép này, ENT mô tả các điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng để được cấp giấy phép, cũng như đưa ra hướng dẫn về trình tự, thủ tục xin cấp phép theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và các văn bản pháp lý có liên quan.

Chúng tôi hy vọng quý doanh nghiệp có những thông tin hữu ích và mong muốn được thực hiện các công việc liên quan đến tư vấn xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động nếu có yêu cầu từ quý doanh nghiệp.

Xin vui lòng liên hệ theo thông tin nêu tại trang cuối của hướng dẫn này.

Trân trọng!

 

T.M CÔNG TY LUẬT TNHH ENT

GIÁM ĐỐC

TRẦN SĨ VỸ

 

I.    CƠ SỞ PHÁP LÝ

(1)      Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 ngày 13/11/2020 (“Luật Số 69”);

(2)      Nghị định số 112/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 10/12/2021 (“Nghị định 112”);

(3)      Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 17/1/2022 (“Nghị định 12”) .

II.   ĐIỀU KIỆN XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Số 69, hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam có Giấy phép xuất khẩu lao động do Bộ trưởng BLĐTBXH cấp.

Cũng theo quy định tại Điều 10 Luật Số 69, để được cấp Giấy phép xuất khẩu lao động, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

(i)      Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư;

(ii)      Đã ký quỹ theo quy định tại Điều 24 Luật Số 69[1] [2];

(iii)     Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;

(iv)     Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung quy định tại Điều 9 Luật Số 69[3];

(v)      Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng[4];

(vi)     Có trang thông tin điện tử[5].

Ngoài những điều kiện nêu trên, doanh nghiệp Việt Nam khi hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn phải đáp ứng các điều kiện của từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể theo quy định trong suốt quá trình hoạt động[6].

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu lao động bao gồm[7]:

(1)      Văn bản đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu lao động của doanh nghiệp[8];

(2)     Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

(3)    Giấy tờ chứng minh đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 10 Luật Số 69, cụ thể[9]:

        (i)      01 bản sao Điều lệ của doanh nghiệp tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu lao động và giấy tờ chứng minh việc góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp; 01 bản sao sổ đăng ký cổ đông mới nhất đối với công ty cổ phần;

        (ii)     01 bản chính Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng[10];

        (iii)    01 bản sao Phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng trước thời điểm đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu lao động; 01 bản sao bằng cấp chuyên môn và 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm (quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc) của người đại diện theo pháp luật;

        (iv)    01 bản chính Danh sách nhân viên nghiệp vụ thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng[11]; 01 bản sao bằng cấp chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có) và 01 bản sao giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc (nếu có) của một trong các văn bản sau: hợp đồng lao động, văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc quá trình tham gia bảo hiểm xã hội hoặc giấy xác nhận kinh nghiệm của nơi đã làm việc của mỗi nhân viên nghiệp vụ;

        (v)      01 bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng, kèm theo bảng kê do doanh nghiệp xác nhận về trang thiết bị, sơ đồ mặt bằng phòng học và khu vực nội trú.

Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp phép xem xét và cấp Giấy phép xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp; trường hợp không cấp giấy phép, cơ quan nhà nước trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Lưu ý: Thời gian cấp giấy phép sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá và giải trình hồ sơ. Trong nhiều trường hợp, cơ quan nhà nước yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trước khi cấp phép. Do vậy, trên thực tế, thời gian cấp phép có thể kéo dài từ 8 tháng – 12 tháng.

 Bước 3: Công bố, niêm yết Giấy phép xuất khẩu lao động

Theo quy định tại Điều 15.2 Luật Số 69, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giấy phép được cấp, doanh nghiệp dịch vụ phải niêm yết công khai bản sao Giấy phép xuất khẩu lao động tại trụ sở chính và đăng tải giấy phép trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không niêm yết công khai theo quy định, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng[12].

IV. CƠ QUAN CẤP PHÉP

Giấy phép xuất khẩu lao động do Bộ trưởng BLĐTBXH cấp cho doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định[13].

 

PHỤ LỤC

BẢN MINH HOẠ – GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

 

 

—————————————————————————————–

[1] Điều 24.1 Luật Số 69 [Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ]

“1. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được gửi tại ngân hàng và chỉ được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả số tiền đã sử dụng và bảo đảm mức ký quỹ theo quy định.”

[2] Chương IV, Mục 1, Điều 23 Nghị định 112 [Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ]

“1. Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng) tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (sau đây viết tắt là ngân hàng nhận ký quỹ).

2.  Doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải ký quỹ thêm 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng) đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.”

[3] Điều 4 Nghị định 112 [Điều kiện về nhân viên nghiệp vụ]

1. Đối với mỗi nội dung hoạt động quy định tại Điều 9 của Luật Số 69, doanh nghiệp phải có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ chịu trách nhiệm thực hiện, đáp ứng một trong những tiêu chuẩn sau:

a) Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên thuộc nhóm ngành đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, nhân văn, dịch vụ xã hội, khoa học xã hội và hành vi hoặc kinh doanh và quản lý;

b) Tốt nghiệp trình độ cao đẳng trở lên không thuộc nhóm ngành đào tạo tại điểm a khoản này và có ít nhất 02 năm kinh nghiệm về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2.  Nhân viên nghiệp vụ phải có giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại doanh nghiệp, trừ trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3.   Chi nhánh được doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ thực hiện một số nội dung hoạt động quy định tại Điều 9 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồngphải có ít nhất 01 nhân viên nghiệp vụ chịu trách nhiệm đối với mỗi nội dung hoạt động và đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại điểm hoặc điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này.

[4] Điều 5 Nghị định 112 [Điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động]

1. Cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng phải đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh và đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

a) Có phòng học và phòng nội trú cho ít nhất 100 học viên tại một thời điểm; có nơi sơ cứu, cấp cứu với trang thiết bị, phương tiện sơ cứu, cấp cứu;

b) Phòng học có diện tích tối thiểu 1,4 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản phục vụ học tập;

c) Phòng nội trú có diện tích tối thiểu 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ sinh hoạt nội trú; bố trí không quá 12 học viên/phòng; khu vực nội trú bố trí tách biệt cho học viên nam và nữ, có đủ buồng tắm và nhà vệ sinh.

2.  Trường hợp doanh nghiệp thuê cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng thì thời hạn thuê phải còn ít nhất 02 năm tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

3.  Chi nhánh được doanh nghiệp dịch vụ giao tổ chức giáo dục định hướng phải có cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh, có phòng học và phòng nội trú đáp ứng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này và thời hạn thuê (nếu chi nhánh thuê cơ sở vật chất) phải tối thiểu là 02 năm.

4.  Doanh nghiệp dịch vụ phải duy trì quyền sử dụng hợp pháp cơ sở vật chất để tổ chức giáo dục định hướng trong suốt thời gian hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

[5] Điều 6 Nghị định 112 [Điều kiện về trang thông tin điện tử]

1. Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phải có tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, đăng tải thông tin cơ bản của doanh nghiệp, đăng hình ảnh Giấy phép sau khi được cấp và nội dung thông tin về hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2.  Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp phải bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục theo quy định của pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày có thay đổi về thông tin quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Số 69, doanh nghiệp dịch vụ phải cập nhật lên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.

[6] Với các nội dung này, doanh nghiệp cần làm việc chặt chẽ với cơ quan cấp phép để có hướng dẫn cụ thể.

[7] Điều 12.1 Luật Số 69.

[8] Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 112.

[9] Điều 7.2 Nghị định 112.

[10] Theo Mẫu số 03 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 112.

[11] Theo Mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 112.

[12] Điều 42.1(a) Nghị định 12.

[13] Điều 3.1 Nghị định 112.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.