Số 010124 – Các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Kính gửi Quý khách hàng,

Trong những năm gần đây, nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam đang thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Và với xu thế đó, việc chú trọng và tim hiểu các hình thức đầu tư là chủ đề được nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm.

Bài viết lần này của chúng tôi sẽ đi sâu vào phân tích những hình thức đầu tư vào Việt Nam của các nhà nước ngoài theo pháp luật Việt Nam đồng thời cung cấp tới cho quý khách hàng cái nhìn tổng quan, rõ nét và những lưu ý cần thiết cho hoạt động đầu tư cho tương lai của m.

Dưới đây là bài viết của chúng tôi về vấn đề này. Chúng tôi mong những thông tin được cung cấp cung cấp cho Quý khách hàng một cái nhìn bao quát về vấn đề này và sẽ giúp ích cho Quý khách hàng trong những hoạt động của doanh nghiệp mình trong tương lai.

1. Các hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Theo Điều 21 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện đầu tư theo các hình thức sau:

  • Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;
  • Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
  • Thực hiện dự án đầu tư;
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; và
  • Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Lưu ý:

Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:[1]

  • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
  • Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
  • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp trên thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.

Phần sau đây của bài viết sẽ bàn luận về những hình thức đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phổ biến và tiêu biểu nhất, đó là: đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; và đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

2. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Theo khoản Điều 22.1 Luật Đầu tư 2020 quy định nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế như sau:

(i) Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(ii) Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Đầu tư.

Lưu ý: Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

3. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

3.1. Các hình thức góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài:

Điều 25.1 Luật Đầu tư 2020 quy định về các hình thức góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài gồm có:

(i) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;

(ii) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; hoặc

(ii) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp (i) và (ii).

3.2. Các hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài:

Điều 25.2 Luật Đầu tư 2020 quy định các hình thức mua cổ phần, mua phần vốn góp của người đầu tư nước ngoài gồm có:

(i) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;

(ii) Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;

(iii) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;

(iv) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc những trường hợp nêu trên.

4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

Hợp đồng BCC là hợp đồng hợp tác kinh doanh, là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế… Tùy thuộc vào chủ thể của hợp đồng mà pháp luật điều chỉnh đối với hợp đồng sẽ khác nhau. Theo Điều 27.1 và 27.2 Luật Đầu tư 2020 quy định về pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC như sau:

  • Đối với hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự;
  • Đối với hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 38 của Luật Đầu tư.

Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

—————————————–

[1] Điều 23 Luật Đầu tư 2020.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.