Số 010423 – Mục đích, hình thức, hình thức giao dịch dân sự

Kính gửi Quý khách hàng,

Giao dịch dân sự (“GDDS”) là một trong những vấn đề phổ biến và quan trọng trong lĩnh vực pháp luật dân sự bởi đây là phương tiện hữu hiệu để thỏa mãn quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Trong phạm vi Hướng dẫn pháp lý này, chúng tôi sẽ giới thiệu về mục đích và hình thức của giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 của Quốc hội ngày 24 tháng 11 năm 2015 (“BLDS 2015”).

1. Khái niệm giao dịch dân sự

GDDS được hiểu là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự[1]. Từ định nghĩa này, có thể hiểu GDDS là hành vi có ý thức của chủ thể nhằm đạt được mục đích nhất định, làm phát sinh các hậu quả pháp lí nhất định[2]. 

2. Mục đích của giao dịch dân sự

Pháp luật dân sự định nghĩa mục đích của GDDS là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó[3]. Mục đích đó sẽ trở thành hiện thực, nếu như các bên trong giao dịch thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Chẳng hạn như trong hợp đồng mua bán xe máy, mục đích của bên mua là trở thành chủ sở hữu xe máy của bên bán, do đó bên bán sẽ thực hiện nghĩa vụ thanh toán và bên mua sẽ nhận tiền và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản theo như đã thỏa thuận. Khi đó mục đích của chủ thể tham gia đã đạt được và hậu quả pháp lí phát sinh từ giao dịch trùng với mong muốn ban đầu của các bên. Tuy nhiên, cũng có trường hợp hậu quả pháp lí phát sinh không phù hợp với mong muốn ban đầu do GDDS đó là bất hợp pháp hoặc do chính các bên không tuân thủ nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch có hiệu lực[4].

Cần lưu ý phân biệt giữa mục đích của GDDS và động cơ xác lập GDDS. Động cơ xác lập GDDS là nguyên nhân thúc đẩy các bên tham gia giao dịch, không mang tính pháp lí và có thể được xác định hoặc không trong khi mục đích của GDDS chính là hậu quả pháp lí sẽ phát sinh từ giao dịch mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch. Nói cách khác là mục đích luôn mang tính pháp lí và luôn được xác định trong GDDS. Ngoài ra, nếu mục đích và nội dung của GDDS vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội thì GDDS sẽ vô hiệu[5].

3. Hình thức của giao dịch dân sự

Hình thức của giao dịch dân sự là phương tiện thể hiện nội dung của giao dịch dân sự. Thông qua phương tiện này bên đối tác cũng như người thứ ba có thể biết được nội dung của giao dịch dân sự đã xác lập. Hình thức của giao dịch dân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tố tụng dân sự. Nó là chứng cứ xác nhận các quan hệ đã, đang tồn tại giữa các bên, qua đó xác định trách nhiệm dân sự khi có hành vi vi phạm xảy ra[6].

Pháp luật dân sự quy định về hình thức của GDDS như sau[7]:

(i)       GDDS được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. GDDS thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản;

(ii)       Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

GDDS vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, tuy nhiên, cần các trường hợp loại trừ sau đây[8]:

(i)      GDDS đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;

(ii)      Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

———————————————–

[1] Điều 116 BLDS 2015.

[2] Th.s Nguyễn Văn Điền, Giao dịch dân sự và điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định pháp luật hiện hành, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2022 (moj.gov.vn).

[3] Điều 118 BLDS 2015.

[4] Th.s Nguyễn Văn Điền, Giao dịch dân sự và điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định pháp luật hiện hành, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2022 (moj.gov.vn).

[5] Điều 117.1(c), Điều 123 BLDS 2015.

[6] Th.s Nguyễn Văn Điền, Giao dịch dân sự và điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định pháp luật hiện hành, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, truy cập ngày 19 tháng 10 năm 2022 (moj.gov.vn).

[7] Điều 119 BLDS 2015.

[8] Điều 129 BLDS 2015.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.