Số 010424 – Ngành nghề đầu tư, kinh doanh và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Kính gửi Quý khách hàng,

Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, như một cách bảo vệ nhà đầu tư trong nước, và đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có thể gây ảnh hướng lớn đến xã hội nếu mở cửa hoạt động đầu tư, Việt Nam vẫn đang đặt ra các rào cản kỹ thuật cho nhà đầu tư nước ngoài để có thể tiếp cận thị trường, không chỉ nhằm thu hẹp lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa, mà còn để đảm bảo các vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng và trật tự xã hội. Các giới hạn này được quy định theo cả pháp luật trong nước cũng như các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hãy cùng tìm hiểu các quy định và lưu ý của chúng tôi về ngành nghề đầu tư, kinh doanh và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong bài viết dưới đây.

1. Ngành, nghề kinh doanh, đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài

1.1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài

Trước hết, theo khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Căn cứ Điều 5 Luật đầu tư 2020, nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Ngoài ra, nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư 2020 đã xây dựng nhóm quy định mới liên quan đến điều kiện tiếp cận thị trường của Nhà đầu tư nước ngoài theo hướng tiếp cận chọn bỏ (Điều 9 Luật Đầu tư 2020). 

Có thể hiểu, nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư, kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm và sẽ được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ các lĩnh vực đầu tư thuộc: (1) danh mục ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường; hoặc (2) danh mục ngành, nghề nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường có điều kiện. 

Căn cứ luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP Chính phủ công bố Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời cũng quy định rõ:

  • Đối với ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường theo Mục A Phụ lục I của Nghị định (liệt kê tại Mục 1.2 dưới đây): Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư;
  • Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện theo Mục B Phụ lục I của Nghị định (liệt kê tại Mục 1.3 dưới đây): Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư [1];
  • Đối với các ngành, nghề chưa cam kết tiếp cận thị trường: Nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

1.2. Ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Mục A Phụ lục I Nghị định số 31/2021/NĐ-CP gồm 25 ngành, nghề như sau:

  1. Kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại.
  2. Hoạt động báo chí và hoạt động thu thập tin tức dưới mọi hình thức.
  3. Đánh bắt hoặc khai thác hải sản.
  4. Dịch vụ điều tra và an ninh.
  5. Các dịch vụ hành chính tư pháp, bao gồm dịch vụ giám định tư pháp, dịch vụ thừa phát lại, dịch vụ đấu giá tài sản, dịch vụ công chứng, dịch vụ của quản tài viên.
  6. Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
  7. Đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.
  8. Dịch vụ thu gom rác thải trực tiếp từ các hộ gia đình.
  9. Dịch vụ thăm dò ý kiến công chúng (thăm dò dư luận).
  10. Dịch vụ nổ mìn.
  11. Sản xuất, kinh doanh vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
  12. Nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
  13. Dịch vụ bưu chính công ích.
  14. Kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.
  15. Kinh doanh tạm nhập tái xuất.
  16. Thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối đối với các hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
  17. Thu, mua, xử lý tài sản công tại các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang.
  18. Sản xuất vật liệu hoặc thiết bị quân sự; kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dụng quân sự và công an, linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng;
  19. Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp và dịch vụ giám định về sở hữu trí tuệ.
  20. Dịch vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải;dịch vụ khảo sát khu nước, vùng nước, luồng hàng hải công cộng và tuyến hàng hải phục vụ công bố Thông báo hàng hải;dịch vụ khảo sát, xây dựng và phát hành hải đồ vùng nước, cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; xây dựng và phát hành tài liệu, ấn phẩm an toàn hàng hải.
  21. Dịch vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải trong khu nước, vùng nước và luồng hàng hải công cộng;dịch vụ thông tin điện tử hàng hải.
  22. Dịch vụ kiểm định (kiểm tra, thử nghiệm) và cấp Giấy chứng nhận cho các phương tiện giao thông vận tải (gồm hệ thống, tổng thành, thiết bị, linh kiện của phương tiện); dịch vụ kiểm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện, thiết bị chuyên dùng, container, thiết bị đóng gói hàng nguy hiểm dùng trong giao thông vận tải;dịch vụ kiểm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển;dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được lắp đặt trên các phương tiện giao thông vận tải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển; dịch vụ đăng kiểm tàu cá.
  23. Dịch vụ điều tra, đánh giá và khai thác rừng tự nhiên (bao gồm khai thác gỗ và săn bắn, đánh bẫy động vật hoang dã quý hiếm, quản lý quỹ gen cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật sử dụng trong nông nghiệp).
  24. Nghiên cứu hoặc sử dụng nguồn gen giống vật nuôi mới trước khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, đánh giá.
  25. Kinh doanh dịch vụ lữ hành, trừ dịch vụ lữ hành quốc tế phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

1.3. Ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài

Ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại Mục B Phụ lục I Nghị định số 31/2021/NĐ-CP gồm 59 ngành, nghề:

  1. Sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa, bao gồm các bản ghi hình.
  2. Sản xuất, phân phối, chiếu các chương trình ti vi và các tác phẩm ca múa nhạc, sân khấu, điện ảnh.
  3. Cung cấp dịch vụ phát thanh và truyền hình.
  4. Bảo hiểm; ngân hàng; kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ khác liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán.
  5. Dịch vụ bưu chính, viễn thông.
  6. Dịch vụ quảng cáo.
  7. Dịch vụ in, dịch vụ phát hành xuất bản phẩm.
  8. Dịch vụ đo đạc và bản đồ.
  9. Dịch vụ chụp ảnh từ trên cao.
  10. Dịch vụ giáo dục.
  11. Thăm dò, khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, dầu và khí.
  12. Thủy điện, điện gió ngoài khơi và năng lượng hạt nhân.
  13. Vận tải hàng hóa và hành khách bằng đường sắt, đường hàng không, đường bộ, đường sông, đường biển, đường ống.
  14. Nuôi, trồng thủy sản.
  15. Lâm nghiệp và săn bắn.
  16. Kinh doanh đặt cược, casino.
  17. Dịch vụ bảo vệ.
  18. Xây dựng, vận hành và quản lý cảng sông, cảng biển và sân bay.
  19. Kinh doanh bất động sản.
  20. Dịch vụ pháp lý.
  21. Dịch vụ thú y.
  22. Hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại Việt Nam.
  23. Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật.
  24. Dịch vụ du lịch.
  25. Dịch vụ sức khỏe và dịch vụ xã hội.
  26. Dịch vụ thể thao và giải trí.
  27. Sản xuất giấy.
  28. Sản xuất phương tiện vận tải trên 29 chỗ.
  29. Phát triển và vận hành chợ truyền thống.
  30. Hoạt động Sở giao dịch hàng hóa.
  31. Dịch vụ thu gom hàng lẻ ở nội địa.
  32. Dịch vụ kiểm toán, kế toán, sổ sách kế toán và thuế.
  33. Dịch vụ thẩm định giá; tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa.
  34. Dịch vụ liên quan đến nông, lâm, ngư nghiệp.
  35. Sản xuất, chế tạo máy bay.
  36. Sản xuất, chế tạo đầu máy và toa xe đường sắt.
  37. Sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá.
  38. Hoạt động của nhà xuất bản.
  39. Đóng mới, sửa chữa tàu biển.
  40. Dịch vụ thu gom chất thải, dịch vụ quan trắc môi trường.
  41. Dịch vụ trọng tài thương mại, hòa giải trọng tài.
  42. Kinh doanh dịch vụ logistics.
  43. Vận tải biển ven bờ.
  44. Canh tác, sản xuất hoặc chế biến các loại cây trồng quý hiếm, chăn nuôi gây giống động vật hoang dã quý hiếm và chế biến, xử lý các động vật hay cây trồng này, bao gồm cả động vật sống và các chế phẩm từ chúng.
  45. Sản xuất vật liệu xây dựng.
  46. Xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật có liên quan.
  47. Lắp ráp xe gắn máy.
  48. Dịch vụ liên quan đến thể thao, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, và các hoạt động vui chơi, giải trí khác.
  49. Dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không; dịch vụ kỹ thuật mặt đất tại cảng hàng không, sân bay; dịch vụ cung cấp suất ăn trên tàu bay; dịch vụ thông tin dẫn đường giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không.
  50. Dịch vụ đại lý tàu biển; dịch vụ lai dắt tàu biển.
  51. Dịch vụ liên quan đến di sản văn hóa, quyền tác giả và quyền liên quan, nhiếp ảnh, ghi hình, ghi âm, triển lãm nghệ thuật, lễ hội, thư viện, bảo tàng.
  52. Dịch vụ liên quan đến xúc tiến, quảng bá du lịch.
  53. Dịch vụ đại diện, đại lý tuyển dụng và đặt lịch, quản lý cho nghệ sỹ, vận động viên.
  54. Dịch vụ liên quan đến gia đình.
  55. Hoạt động thương mại điện tử.
  56. Kinh doanh nghĩa trang, dịch vụ nghĩa trang và dịch vụ mai táng.
  57. Dịch vụ gieo hạt và phun thuốc hóa chất bằng máy bay.
  58. Dịch vụ hoa tiêu hàng hải.
  59. Các ngành, nghề đầu tư theo cơ chế thí điểm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

1.4. Ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường

Ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường là ngành, nghề mà theo các điều ước quốc tế về đầu tư Việt Nam không có cam kết, chưa cam kết hoặc bảo lưu quyền ban hành các biện pháp không phù hợp với nghĩa vụ về tiếp cận thị trường, nghĩa vụ đối xử quốc gia hoặc các nghĩa vụ khác về không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài được quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư đó.[2]

2. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

2.1. Khái niệm điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

Theo Khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật Đầu tư 2020.

2.2. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài

2.2.1. Đối với ngành, nghề chưa cam kết tiếp cận thị trường

Theo Khoản 1 Điều 9 Luật Đầu tư 2020, được cụ thể hoá tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau: Trừ những ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Phụ lục I của Nghị định 31, nhà đầu tư được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.

Nguyên tắc áp dụng quy định về điều kiện tiếp cận thị trường chưa cam kết với nhà đầu tư nước ngoài như sau:

(1)     Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước;

(2)     Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam;[3]

(3)     Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ được ban hành (mới ban hành) có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết thì:[4]

(i)     Nếu nhà đầu tư nước ngoài đã áp dụng điều kiện trước khi có văn bản pháp luật mới ban hành thì tiếp tục áp dụng điều kiện đó, trừ các trường hợp sau thì áp dụng theo điều kiện của văn bản pháp luật mới ban hành:

  • Thành lập tổ chức kinh tế mới;
  • Thực hiện dự án đầu tư mới;
  • Nhận chuyển nhượng dự án đầu tư;
  • Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác;
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng;
  • Điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, ngành, nghề.

Trong trường hợp này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét lại điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề mà nhà đầu tư đã được chấp thuận trước đó.

(ii)    Nếu nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư sau thời điểm văn bản pháp luật mới được ban hành có hiệu lực thì phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của văn bản pháp luật mới đó.

2.2.2. Đối với ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường

Đối với các ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo khoản 10 Điều 3 và khoản 2 Điều 9 Luật Đầu tư 2020, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:

(1)     Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế. Điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn được quy định chi tiết như sau:

  • Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể;
  • Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó;
  • Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán, trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
  • Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất.[5]

(2)     Hình thức đầu tư bao gồm:

  • Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
  • Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
  • Thực hiện dự án đầu tư.
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
  • Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.[6]

(3)     Phạm vi hoạt động đầu tư;

(4)     Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;

(5)     Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Chẳng hạn như:

  • Sử dụng đất đai, lao động, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;
  • Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;
  • Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;
  • Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;
  • Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
  • Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.[7]

Ngoài ra, về quyền lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và và thủ tục đầu tư, Khoản 2 Điều 16 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định như sau:

(1)     Quyền lựa chọn được dành riêng cho Nhà đầu tư là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài khi Nhà đầu tư này có hoạt động đầu tư kinh doanh Việt Nam, thì có quyền lựa chọn được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.

Trong trường hợp lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư (là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài) không được thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài.[8]

(2)     Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế về đầu tư có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư đó thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam thì được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo điều ước đó[9];

(3)     Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện tiếp cận thị trường thì được lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường đối với tất cả các ngành, nghề kinh doanh theo một trong các điều ước đó. Trường hợp đã lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo một điều ước quốc tế về đầu tư (gồm cả điều ước được ký mới hoặc được sửa đổi, bổ sung sau ngày điều ước đó có hiệu lực mà nhà đầu tư đó thuộc đối tượng áp dụng) thì nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo toàn bộ quy định của điều ước đó.[10]

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.

————————————————————-

[1] Theo Khoản 3 Điều 2 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, cổng thông tin quốc gia về đầu tư là một bộ phận của Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư, được sử dụng để thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; đăng tải và cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; cập nhật và khai thác thông tin về hoạt động xúc tiến đầu tư, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đầu tư ra nước ngoài, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.

Địa chỉ: https://vietnaminvest.gov.vn/SitePages/home.aspx

[2] Khoản 13 Điều 2 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

[3] Khoản 4 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[4] Khoản 5 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[5] Khoản 10 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[6] Điều 21 Luật Đầu tư 2020

[7] Khoản 3 Điều 15 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[8] Khoản 2 Điều 16 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[9] Khoản 8 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[10] Khoản 8 Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.