Số 020423 – Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp

Kính gửi Quý khách hàng,

Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp (“HĐTĐKDN”) là một thoả thuận kinh doanh đặc thù, thiết lập các quyền và nghĩa vụ cơ bản cho các đồng chủ sở hữu doanh nghiệp, được giao kết ở thời điểm trước khi doanh nghiệp được thành lập.

Để hiểu rõ hơn về khái niệm, tính chất, đặc điểm cũng như các vấn đề cần lưu ý của HĐTĐKDN theo quy địnhcủa Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 của Quốc hội ngày 17 tháng 06 năm 2020 (“LDN 2020”), xin vui lòng xem hướng dẫn cơ bản của chúng tôi ở bài viết này.

1. Khái niệm

LDN 2020 quy định, HĐTĐKDN là hợp đồng mà người thành lập doanh nghiệp (“NTLDN”) được phép ký nhằm phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp[1].

2. Đặc điểm, tính chất

HĐTĐKDN mang những đặc điểm, tính chất sau:

(i)        Một bên trong các bên giao kết hợp đồng là NTLDN[2]. NTLDN được hiểu là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp[3]. Như vậy người ký kết HĐTĐKDN có thể là cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp hay cá nhân, tổ chức góp vốn để thành lập doanh nghiệp;

(ii)       Mục đích của việc giao kết hợp đồng là nhằm phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp;

(iii)      Thời điểm giao kết HĐTĐKDN là trước và trong quá trình thành lập doanh nghiệp[4]. Do tại thời điểm giao kết, doanh nghiệp tương lai chưa được thành lập và chưa có tư cách pháp nhân nên các hợp đồng phục vụ việc thành lập và vì lợi ích doanh nghiệp do NTLDN giao kết[5].

(iv)      Trường hợp doanh nghiệp không được thành lập, người mang nghĩa vụ và chịu trách nhiệm đối với vi phạm hợp đồng là người trực tiếp giao kết hợp đồng. Trường hợp doanh nghiệp được thành lập, doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện hợp đồng[6]. Doanh nghiệp tương lai (sau khi được thành lập) sẽ phải tiếp nhận, thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ một hợp đồng mà chính pháp nhân doanh nghiệp đó không ký kết, nhưng được chuyển giao từ HĐTĐKDN mà nhưng NTLDN ký kết[7].

Ngoài những đặc điểm, tính chất nêu trên, nhà đầu tư cần lưu ý những vấn đề sau đối với HĐTĐKDN[8]:

Thứ nhất, về các bên trong hợp đồng, HĐTĐKDN có thể có hoặc không có bên thứ ba. Trên thực tế, các hợp đồng liên quan tới bên thứ ba thường thấy là hợp đồng thuê trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc thỏa thuận nguyên tắc về tuyển dụng nhân viên. Đối với các hợp đồng không liên quan tới bên thứ ba có thể kể đến hợp đồng giữa NTLDN với nhau về việc góp vốn và chia sẻ chi phí trước khi thành lập doanh nghiệp hoặc chia sẻ quyền quản lý doanh nghiệp.

Thứ hai, về mục đích của hợp đồng, HĐTĐKDN phải nhằm mục đích phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp như nhằm để ổn định, chuẩn bị kĩ lưỡng cho việc thành lập, đảm bảo sự hoạt động của doanh nghiệp trong thời điểm trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. HĐTĐKDN có thể gồm các hợp đồng thuê trụ sở, hợp đồng thuê dịch vụ pháp lý, hợp đồng thỏa thuận góp vốn, hợp đồng thỏa thuận về quản lý điều hành, v.v.

Trường hợp hợp đồng được NTLDN ký kết nhưng không phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký kinh doanh thì sẽ thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 của Quốc hội ngày 24 tháng 11 năm 2015 (“BLDS 2015”). Tuy nhiên hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí xác định mục đích nên khi giao kết HĐTĐKDN, các bên cần quy định rõ mục đích này trong hợp đồng.

Thứ ba, về thỏa thuận về trách nhiệm của các bên:

(i)       Trường hợp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (“GCNĐKDN”), doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ HĐTĐKDN đã ký kết và các bên phải thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của BLDS 2015, trừ trường hợp trong hợp đồng có thỏa thuận khác[9]. Quy định này là hợp lý bởi như đã đề cập, mục đích của HĐTĐKDN là để phục vụ lợi ích cho doanh nghiệp. Vì vậy khi doanh nghiệp đã được công nhận trước pháp luật, doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng nhân danh và vì lợi ích của chính mình.

(ii)       Trường hợp doanh nghiệp không được cấp GCNĐKDN, người ký kết HĐTĐKDN phải chịu trách nhiệm thực hiện HĐTĐKDN; trường hợp có người khác tham gia thành lập doanh nghiệp thì cùng liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó[10]. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi của bên còn lại khi giao kết HĐTĐKDN, tức là quyền và nghĩa vụ của họ vẫn được đảm bảo dù doanh nghiệp có được thành lập hay không. Như vậy, trong hợp đồng giữa những NTLDN với bên thứ ba cần phải làm rõ phạm vi trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy nhiên quy định của LDN 2020 hiện chưa có tiêu chí rõ ràng về mức độ, phạm vi trách nhiệm của NTLDN khi doanh nghiệp chưa được thành lập.

Thứ tư, về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của BLDS 2015, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào tại BLDS 2015 định nghĩa việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng hay quy định về hình thức chuyển giao, chuyển giao một phần hay toàn bộ quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của LDN 2020.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

———————————————————————-

[1] Điều 18.1 LDN 2020.

[2] Điều 18.1 LDN 2020.

[3] Điều 4.25 LDN 2020.

[4] Điều 18.1 LDN 2020.

[5] Ths. Huỳnh Thiên Tứ, Chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp dưới góc độ so sánh, Cổng thông tin điện tử trang Nghiên cứu lập pháp, truy cập ngày 10 tháng 04 năm 2023 (lapphap.vn).

[6] Điều 18.2, Điều 18.3 LDN 2020.

[7] Ths. Huỳnh Thiên Tứ, Chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp dưới góc độ so sánh, Cổng thông tin điện tử trang Nghiên cứu lập pháp, truy cập ngày 10 tháng 04 năm 2023 (lapphap.vn).

[8] Luật Phamlaw, Tính chất pháp lý của hợp đồng trước khi thành lập doanh nghiệp, Website Công ty Luật TNHH Phamlaw, truy cập ngày 10 tháng 04 năm 2023 (phamlaw.com).

[9] Điều 18.2 LDN 2020.

[10] Điều 18.3 LDN 2020.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.