Số 020523- Thành lập chi nhánh doanh nghiệp

Kính gửi Quý khách hàng,

Chi nhánh là một trong các loại hình đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam. Tuỳ vào mục đích và nhu cầu kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam hoặc thương nhân ở nước ngoài có thể đăng ký hoạt động hoặc thành lập chi nhánh để phục vụ các kế hoạch của mình.

Để hiểu rõ hơn về khái niệm, chức năng, hoạt động và thủ tục thành lập từng hình thức chi nhánh theo quy định của pháp luật, Quý khách có thể tham khảo bài viết này của chúng tôi.

1. Khái niệm

Có hai loại hình chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm (1) chi nhánh của doanh nghiệp thành lập và hoạt động tại Việt Nam (“CN DNVN”) và (2) chi nhánh của thương nhân nước ngoài (tổ chức kinh tế, doanh nghiệp được thành lập và hoạt động ở nước ngoài, theo pháp luật nước ngoài) (“CN TNNN“).

CN DNVN được xem đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp tại Việt Nam[1] (gọi tắt là “DNVN“). DNVN là các doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động tại Việt Nam, theo pháp luật Việt Nam, bất kể là doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước hay vốn đầu tư nước ngoài.

CN TNNN là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài nhưng được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên[2]. Các hình thức hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam gồm văn phòng đại diện, CN TNNN tại Việt Nam, văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong các loại hình kể trên, thành lập tổ chức kinh tế là loại hình phổ biến nhất, được thực hiện theo các cam kết của Việt Nam trong WTO và luật nội địa. Trong khi đó, hiện diện thương mại qua hình thức CN TNNN rất hạn chế, chỉ được phép trong một số lĩnh vực đặc thù theo pháp luật chuyên ngành của Việt Nam (như chi nhánh của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam).

2. Phân biệt các hình thức chi nhánh

Tiêu chí

CN DNVN

CN TNNN

Căn cứ pháp lý Luật Doanh nghiệp 2020 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là “NĐ 07“).
Điều kiện thành lập Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của DNVN ·      Được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;

·      Đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;

·      Thời hạn trên Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài còn thời hạn ít nhất 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ đăng ký tại Việt Nam;

·      Nội dung hoạt động phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài.

Số lượng Mỗi doanh nghiệp có thể thành lập một hoặc nhiều chi nhánh tại địa phương theo địa giới đơn vị hành chính Một thương nhân nước ngoài chỉ được thành lập 01 chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Giấy phép hoạt động Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh Giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Cơ quan cấp phép Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi chi nhánh đặt trụ sở (“Phòng ĐKKD“) Bộ Công thương (“BCT“)
Thời hạn hoạt động Theo thời hạn hoạt động của DNVN Theo thời hạn của Giấy phép hoạt động, tối đa là 05 năm và có thể được gia hạn nhiều lần
Nội dung hoạt động Thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của DNVN, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền Chi nhánh hoạt động cung ứng dịch vụ trong các ngành dịch vụ (bao gồm cả ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định) nhưng không bao gồm các ngành dịch vụ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành[3]

3. Thủ tục thành lập

3.1. Đối với CN DNVN

a. Trình tự thủ tục:

      Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh theo nội dung Mục 3.1(c);

      Bước 2: Nộp hồ sơ đã chuẩn bị tại Bước 1 đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi chi nhánh đặt trụ sở thông qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp[4];

      Bước 3: Nếu hồ sơ đáp ứng đủ các điều kiện, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

b. Thời hạn chấp thuận cấp phép: Trong vòng 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

c. Hồ sơ đăng ký[5]:

STT

Tài liệu

Loại văn bản

1 Thông báo thành lập chi nhánh (theo mẫu Phụ lục II-7 kèm theo Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT) Bản gốc
2 Quyết định về việc thành lập chi nhánh của hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh) hoặc hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần) hoặc chủ sở hữu (đối với công ty TNHH một thành viên) Bản gốc
3 Biên bản họp về việc thành lập chi nhánh của hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh) hoặc hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần) Bản gốc
4 Bản sao giấy tờ pháp lý của người đứng đầu chi nhánh (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) Bản sao chứng thực (Nếu sử dụng hộ chiếu nước ngoài thì phải có bản dịch công chứng)

3.2. Đối với CN TNNN

a. Trình tự thủ tục và thời hạn cấp phép:

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập chi nhánh theo nội dung Mục 3.2(b);
  • Bước 2: Nộp hồ sơ đã chuẩn bị tại Bước 1 đến BCT;
  • Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, BCT kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ.

Trường hợp cần lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành, BCT gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ đó trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của BCT, Bộ quản lý chuyên ngành có văn bản nêu rõ ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý cấp phép thành lập chi nhánh.

  • Bước 4: Trường hợp không cần xin ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, BCT sẽ cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập CN TNNN tại Việt Nam.

b. Hồ sơ đăng ký[6]:

STT

Tài liệu

Loại văn bản

1 Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh (theo mẫu MĐ-5 kèm theo Thông tư 11/2016/TT-BCT) Bản gốc
2 Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài Bản hợp pháp hoá lãnh sự và bản dịch công chứng
3 Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh Bản gốc
4 Báo cáo tài chính có kiểm toán (cho năm tài chính gần nhất với ngày nộp hồ sơ) của thương nhân nước ngoài Bản sao chứng thực và bản dịch công chứng
5 Bản sao giấy tờ pháp lý của người đứng đầu chi nhánh (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) Bản sao chứng thực (Nếu sử dụng hộ chiếu nước ngoài thì phải có bản dịch công chứng)
6 Điều lệ hoạt động của CN TNNN Bản sao
7 Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở chi nhánh, gồm:

– Hợp đồng thuê địa điểm trụ sở chi nhánh;

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của Bên cho thuê địa điểm;

– Ngoài các tài liệu trên, thương nhân nước ngoài có thể được yêu cầu cung cấp Giấy phép xây dựng đối với địa điểm đặt trụ sở chi nhánh và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Bên cho thuê địa điểm.

Bản sao chứng thực

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

 —————————————————————————

[1] Điều 44.1 Luật Doanh nghiệp 2020.

[2] Điều 3.7 Luật Thương mại 2005.

[3] Điều 31 NĐ 07.

[4] Địa chỉ truy cập: https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn.

[5] Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

[6] Điều 12 NĐ 07.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.