Số 020723 – Thành lập doanh nghiệp

Kính gửi Quý khách hàng,

Thành lập doanh nghiệp là thủ tục đầu tiên để tạo ra một pháp nhân thương mại, tiến hành hoạt động kinh doanh một cách quy củ và có tính tổ chức. Theo đó, để nắm rõ hồ sơ cũng như quy trình, thủ tục thành lập doanh nghiệp và xử lý các vấn đề phát sinh sau khi thành lập, nhà đầu tư cần phải chú ý để các vấn đề pháp lý có liên quan.

1. Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp[1]

Trước hết, nhà đầu tư (chủ sở hữu dự kiến của doanh nghiệp) cần chuẩn bị hồ sơ để nộp cho cơ quan cấp phép nhằm xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (là loại giấy phép thành lập của doanh nghiệp). Tùy theo loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh mà hồ sơ thành lập doanh nghiệp cần chuẩn bị sẽ khác nhau. Dưới đây là những tài liệu phổ biến mà hầu hết doanh nghiệp đều phải chuẩn bị khi thành lập: 

STT Tài liệu

Loại văn bản

1 Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (Theo mẫu quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp) Bản gốc
2 Điều lệ thành lập doanh nghiệp Bản gốc
3 Danh sách thành viên/cổ đông góp vốn Bản gốc
4 Bản sao giấy tờ tùy thân của các thành viên/cổ đông góp vốn (một trong những giấy tờ sau: chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu) Bản sao y chứng thực (Nếu sử dụng hộ chiếu nước ngoài thì phải có bản dịch công chứng)
5 Giấy tờ pháp lý trường hợp thành viên/cổ đông góp vốn là tổ chức (Quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản sao hợp lệ giấy chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn góp, văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền) Bản sao y chứng thực (Nếu sử dụng giấy tờ của tổ chức nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự)
6 Văn bản ủy quyền cho tổ chức/cá nhân thực hiện thủ tục nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh (trường hợp người làm thủ tục không phải Đại diện pháp luật của doanh nghiệp) Bản gốc

 

7 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực nếu doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài Bản sao y chứng thực

 

8 Các loại hồ sơ khác đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện (chẳng hạn như Giấy phép xuất nhập khẩu; Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm,v.v) Bản sao y chứng thực

 

2. Quy trình thủ tục đăng ký doanh nghiệp 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp theo nội dung Mục 1.

Bước 2: Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp và nộp lệ phí công bố thông tin doanh nghiệp.

  • Nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp qua Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.[2]
  • Thủ tục nộp lệ phí công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp sẽ được thực hiện đồng thời với thủ tục nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp.

Bước 3: Nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

  • Sau 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ được cấp nếu hồ sơ hợp lệ.

Bước 4: Hoàn thiện thủ tục sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:

  • Khắc dấu tròn doanh nghiệp.
  • Mở tài khoản giao dịch cho doanh nghiệp.
  • Đăng ký chữ ký số điện tử và đăng ký nộp thuế qua mạng.
  • Nộp tờ khai thuế môn bài và nộp thuế môn bài.
  • Thông báo phát hành hóa đơn điện tử.
  • Treo biển hiệu tại trụ sở doanh nghiệp.

3. Lưu ý khi lựa chọn loại hình doanh nghiệp

Tùy thuộc vào mục đích và nhu cầu của mình, nhà đầu tư có thể lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. Hiện nay, có 05 loại hình doanh nghiệp phổ biến theo quy định pháp luật Việt Nam: Doanh nghiệp tư nhân (“DNTN”), công ty hợp danh (“CTHD”), công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (“CTTNHH MTV”), công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (“CTTNHH HTV”) và công ty cổ phần (“CTCP”).

Loại hình Ưu điểm Nhược điểm
DNTN[3]

 

– Cơ cấu tổ chức tinh gọn; việc quản lý, vận hành đơn giản.

 

– Chủ DNTN là thành viên duy nhất, toàn quyền quyết định với hoạt động kinh doanh và hưởng toàn bộ lợi nhuận.

 

– Không có tư cách pháp nhân do đó không phải chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật.

– Chủ DNTN chịu rủi ro lớn do phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình với mọi nghĩa vụ về tài sản của DNTN.

 

– Chủ DNTN không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh/thành viên hợp danh của CTHD/chủ DNTN khác.[4]

– DNTN không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong CTHD, CTTNHH hoặc CTCP.[5]

 

– Khả năng huy động vốn kém, chỉ có thể huy động vốn từ chủ DNTN hoặc vay vốn từ tổ chức, cá nhân khác.

CTTNHH MTV[6]

 

– Có tư cách pháp nhân, có thể tham gia các quan hệ một cách cách độc lập. Việc này đem lại cho doanh nghiệp sự ổn định đời sống pháp luật hơn so với DNTN.

 

– Chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty,[7] hạn chế được rủi ro của chủ sở hữu trong kinh doanh.

 

– Chủ sở hữu có toàn quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn điều lệ của công ty.[8]

– Hệ thống pháp luật điều chỉnh khắt khe hơn so với DNTN.

 

– Bị hạn chế trong việc huy động vốn bởi không được phát hành cổ phiếu. Nếu muốn huy động thêm vốn góp của cá nhân, tổ chức khác sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang CTTNHH HTV  hoặc CTCP.

 

 

CTTNHH HTV[9]

 

– Khả năng huy động vốn lớn hơn CTTNHH MTV do có số lượng thành viên lớn và việc chuyển nhượng phần vốn góp của các thành viên dễ dàng hơn so với CTTNHH MTV.

 

– Các thành viên công ty chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty, do đó ít gây rủi ro cho người góp vốn.

 

– Các thành viên công ty có mối quan hệ nhất định với nhau do hạn chế số lượng thành viên tham gia và không mang tính “đại chúng” như công ty cổ phần.

 

– Việc quản lý, điều hành công ty tương đối phức tạp do số lượng thành viên lớn và hoạt động kinh doanh của công ty chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật.

 

– Thuế chuyển nhượng vốn góp cao: 20%.[10]

 

– Không được phát hành cổ phiếu để huy động vốn từ công chúng.[11]

CTCP[12] – CTCP dễ dàng mở rộng quy mô về mặt nhân sự do không giới hạn số lượng thành viên tối đa.

 

– Khả năng huy động vốn không giới hạn do CTCP được chào bán các loại chứng khoán ra công chúng.

 

– Mô hình của CTCP phù hợp với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.

 

– Chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn giúp cổ đông hạn chế rủi ro và được tự do góp vốn đầu tư vào các công ty khác. Đây là một trong những đặc điểm khiến CTCP trở thành một mô hình kinh doanh có sức hút đối với nhà đầu tư.

 

– Việc chuyển nhượng cổ phần tương đối dễ dàng, đa phần cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác với mức thuế chuyển nhượng tối ưu: 0.1%.[13]

– Việc điều hành CTCP phức tạp do số lượng cổ đông lớn và có thể phân hoá thành các nhóm cổ đông đối lập nhau về mặt lợi ích.

 

– Các cổ đông được tự do chuyển nhượng cổ phần khiến công ty có thể bị nắm quyền kiểm soát/thâu tóm bởi những chủ thể có tiềm lực kinh tế lớn.

 

– Bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định của pháp luật, đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán.

 

– Trong thời hạn 03 năm đầu thành lập, cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người khác không phải cổ đông sáng lập khác trong công ty nếu không được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.[14]

 

– Khả năng bảo mật kinh doanh và tài chính bị hạn chế do CTCP phải công khai và báo cáo với các cổ đông.

 

CTHD[15] – Kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người, do đó dễ dàng tạo sự tin cậy của đối tác kinh doanh.

 

– Việc điều hành quản lý công ty không quá phức tạp. Do số lượng các thành viên ít. Và là những người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau.

 

-Ngân hàng dễ cho vay vốn và hoãn nợ hơn. Do chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh.

 

– Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn[16] nên mức độ rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao.

 

– Không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.[17] Nếu muốn huy động vốn, các thành viên sẽ tự bỏ thêm tài sản hoặc tiếp nhận thêm thành viên mới.

 

– Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của CTHD khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.[18]

 

– Thành viên hợp danh rút khỏi công ty vẫn phải chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của CTHD phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên trong thời hạn 02 năm.[19]

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

 —————————————————————————————-

[1] Điều 21-24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

[2] Địa chỉ truy cập: https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn.

[3] Điều 188 LDN 2020.

[4] Điều 188.3 LDN 2020.

[5] Điều 188.4 LDN 2020.

[6] Điều 74 LDN 2020.

[7] Điều 74.1 LDN 2020.

[8] Điều 76 LDN 2020.

[9] Điều 46 LDN 2020.

[10] Điều 11.1.b Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế Thu Nhập Cá Nhân, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

[11] Điều 46.3 LDN 2020.

[12] Điều 111 LDN 2020.

[13] Điều 11.2.b(2) Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 15 tháng 08 năm 2013 hướng dẫn Luật Thuế Thu nhập Cá nhân, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

[14] Điều 20.3 LDN 2020.

[15] Điều 177 LDN 2020.

[16] Điều 181.2.đ LDN 2020.

[17] Điều 177.3 LDN 2020.

[18] Điều 180.1 LDN 2020

[19] Điều 185.5 LDN 2020.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.