Số 020923 – Chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH hai thành viên trở lên

Kính gửi Quý khách hàng,

Chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên trở lên là việc thành viên công ty tiến hành chuyển quyền sở hữu phần vốn góp trong công ty của mình cho thành viên khác hoặc cá nhân, tổ chức khác không phải thành viên, đi kèm với việc chuyển nhượng các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phát sinh từ phần vốn góp đó cho người nhận chuyển nhượng.

Trong quá trình chuyển nhượng vốn, nhà đầu tư sẽ có rất nhiều điều cần phải lưu tâm. Trong bài viết này, chúng tôi muốn làm sáng tỏ những khía cạnh cơ bản của quy định về chuyển nhượng phần vốn góp, tập trung vào các vấn đề đề như khái niệm phần vốn góp, những trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp và thủ tục thực hiện chuyển nhượng. Hướng dẫn này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan, toàn diện về các nguyên tắc chính chi phối việc chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên tại Việt Nam.

Dưới đây là bài viết của chúng tôi về vấn đề này. Chúng tôi mong những thông tin được cung cấp sẽ giúp ích cho Quý khách hàng trong những hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai.

1. Khái niệm phần vốn góp và chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên

Theo điều 4.27 Luật Doanh nghiệp 2020, phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn.

Theo như khái niệm trên, có thể hiểu chuyển nhượng vốn góp là việc thành viên sở hữu vốn góp trong Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên chuyển 01 phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho thành viên trong Công ty hoặc cá nhân, tổ chức không phải là thành viên trong Công ty. Việc chuyển nhượng này bào gồm chuyển nhượng phần vốn góp và bao gồm các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đó.

2. Những trường hợp chuyển nhượng vốn góp trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Theo quy định tại Điều 51, 52, 53 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác trong những trường hợp sau

  • Thành viên công ty chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;[1]
  • Chuyển nhượng cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán;[2]
  • Thành viên tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác;[3]
  • Thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ.[4]
  • Phần vốn góp của thành viên được công ty mua lại hoặc chuyển nhượng trong các trường hợp:
  • Thành viên yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề:[5]

+          Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;

+          Tổ chức lại công ty;

+          Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

  • Người thừa kế không muốn trở thành thành viên;[6]
  • Người được thành viên tặng cho không thuộc đối tượng thừa kế theo pháp đồng thời không được Hội đồng thành viên chấp thuận làm thành viên;[7]
  • Thành viên công ty là tổ chức giải thể hoặc phá sản.[8]

3. Hồ sơ chuyển nhượng vốn góp công ty TNHH hai thành viên trở lên[9]

(1)         Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký (Theo Phụ lục II-1 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp);

(2)         Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (Theo Phụ lục I-6 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp); trong đó không bao gồm nội dung kê khai về thành viên góp vốn. Các danh sách phải bao gồm chữ ký của các thành viên có phần vốn góp thay đổi, không bắt buộc phải có chữ ký của thành viên có phần vốn góp không thay đổi;

(3)         Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng trong trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp; Hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho phần vốn góp;

(4)         Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư 2020.

(5)         Giấy tờ chứng thực cá nhân của bên nhận chuyển nhượng:

+ Trường hợp thành viên nhận chuyển nhượng là cá nhân Việt Nam: Bản sao hợp lệ các giấy tờ cá nhân (Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực);

+ Trường hợp thành viên nhận chuyển nhượng là cá nhân nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực;

+  Trường hợp thành viên nhận chuyển nhượng là tổ chức: Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ Quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý của doanh nghiệp;

(6)         Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của Người đại diện theo ủy quyền (Trong trường hợp người chuyển nhượng không trực tiếp đến làm thủ tục chuyển nhượng).

(7)        Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2020, trong trường hợp việc chuyển nhượng vốn góp làm ảnh hưởng đến số lượng thành viên (số lượng thành viên giảm còn một người), thì công ty cần phải làm thông báo thay đổi số lượng thành viên góp vốnthủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành công ty TNHH một thành viên.

4. Thủ tục chuyển nhượng vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên trở lên

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Xác định đối tượng nhận chuyển nhượng là người Việt Nam (công ty Việt Nam) hay người nước ngoài (công ty có yếu tố nước ngoài).

Hồ sơ chuyển nhượng vốn góp (bao gồm các giấy tờ đã trình bày ở Mục 2).

Lưu ý: Trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng là người nước ngoài hoặc doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thì cần phải xem xét ngành nghề kinh doanh đó có được chuyển nhượng vốn cho người nước ngoài không và tỷ lệ tối đa được phép chuyển nhượng là bao nhiêu phần trăm.

Bước 2: Nộp hồ sơ chuyển nhượng vốn góp

Nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Lưu ý: Trong thời hạn 10 ngày, thành viên nhận chuyển nhượng phải góp đủ số vốn cam kết. Sau đó, doanh nghiệp mới được làm thông báo thay đổi thành viên góp vốn và gửi đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đăng ký thành lập. Việc chậm góp vốn, chậm thông báo hoặc không thông báo sẽ bị Sở KH&ĐT xử phạt vi phạm hành chính.

Bước 3: Nhận giấy biên nhận

Phòng Đăng ký kinh doanh đưa Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ, chính xác của hồ sơ và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp.

Bước 4: Nhận kết quả giải quyết hồ sơ

Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy Biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh để nhận kết quả giải quyết hồ sơ.

5. Một số lưu ý khi chuyển nhượng vốn góp trong Công ty TNHH hai thành viên

1. Nộp thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng vốn góp

Thu nhập tăng thêm từ việc chuyển nhượng vốn góp là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân (nếu bên chuyển nhượng là cá nhân) hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu bên chuyển nhượng là tổ chức).

Mức thuế phải nộp = 20% x Thu nhập chịu thuế

Trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày hoàn tất việc chuyển nhượng, cá nhân chuyển nhượng phần vốn góp phải nộp tờ khai thuế TNCN lên Chi cục Thuế (nơi quản lý thuế của doanh nghiệp).

2. Quyền sử dụng phần vốn góp của người được thành viên trả nợ bằng phần vốn góp đó

Trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người nhận thanh toán có quyền sử dụng phần vốn góp đó theo một trong hai hình thức sau đây:[10]

– Trở thành thành viên công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;

– Chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp đó theo quy định tại Điều 52 của Luật Doanh Nghiệp 2020.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

———————————————————

[1] Điều 52.1.a Luật doanh nghiệp 2020.

[2] Điều 52.1.b Luật doanh nghiệp 2020.

[3] Điều 53.6 Luật doanh nghiệp 2020.

[4] Điều 53.7 Luật doanh nghiệp 2020.

[5] Điều 51.1 Luật doanh nghiệp 2020.

[6] ĐIều 53.4 Luật Doanh Nghiệp 2020.

[7] ĐIều 53.4 Luật Doanh Nghiệp 2020.

[8] ĐIều 53.4 Luật Doanh Nghiệp 2020.

[9] Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

[10] Điều 53.7 Luật Doanh Nghiệp 2020.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.