Số 021021 – Họp bầu các chức danh trong Công ty cổ phần

Kính gửi Quý khách hàng,

Sau khi thành lập, việc doanh nghiệp nhanh chóng xây dựng bộ khung nhân sự chủ chốt là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến họp bầu các chức danh trong công ty. Thấu hiểu được điều này, Công ty Luật TNHH ENT xin gửi tới Quý khách hàng Bản Hướng dẫn pháp lý về thủ tục họp bầu các chức danh của công ty cổ phần sau khi thành lập. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới thủ tục này trong các công ty cổ phần ngoài nhà nước.

Khái quát về họp bầu các chức danh trong công ty cổ phần

Họp bầu các chức danh trong công ty cổ phần là việc các cơ quan chyên trách trong công ty cổ phần (Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Kiểm Soát) bầu ra các cá nhân giữ chức danh quan trọng trong công ty.

Một số chức danh quan trọng trong công ty cổ phần bao gồm:

    • Chủ tịch Hội đồng quản trị;
    • Giám đốc / Tổng Giám đốc;
    • Trưởng Ban Kiểm soát[1].

Các chức danh này cần đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện nhất định trước khi được bầu, bổ nhiệm. Tiêu chuẩn, điều kiện với các chức danh cụ thể như sau:

1. Tiêu chuẩn, điều kiện đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị

Chủ tịch Hội đồng quản trị cần đáp ứng những điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị. Điều 155.1 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Thành viên Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

    • Không thuộc đối tượng quy định tại Điều 17.2 Luật Doanh nghiệp 2020[2];
    • Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
    • Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác.         

2.  Tiêu chuẩn, điều kiện đối với Giám đốc / Tổng Giám đốc

a) Trường hợp Giám đốc / Tổng Giám đốc là thành viên Hội đồng quản trị

Trong trường hợp này, Giám đốc/Tổng Giám đốc sẽ cần phải đáp ứng các điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị. Các tiêu chuẩn, điều kiện này đã được ENT trình bày tại Mục [a] Phần [Khái quát về họp bầu các chức danh trong công ty cổ phần].

b) Trường hợp Giám đốc / Tổng Giám đốc không phải là thành viên Hội đồng quản trị

Trường hợp công ty thuê người khác (không phải thành viên Hội đồng quản trị công ty) làm Giám đốc / Tổng Giám đốc, hiện nay Luật Doanh nghiệp không quy định điều kiện, tiêu chuẩn với trường hợp này. Do đó, Giám đốc / Tổng Giám đốc cần đáp ứng những tiêu chuẩn theo Điều lệ của công ty.

3.  Tiêu chuẩn, điều kiện đối với Trưởng Ban Kiểm soát

Trưởng Ban Kiểm soát cần đáp ứng những điều kiện làm Kiểm soát viên. Điều 169.1 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:

Kiểm soát viên phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

    • Không thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 17.2 của Luật Doanh nghiệp 2020;
    • Được đào tạo một trong các chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật, quản trị kinh doanh hoặc chuyên ngành phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
    • Không phải là người có quan hệ gia đình của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác;
    • Không phải là người quản lý công ty; không nhất thiết phải là cổ đông hoặc người lao động của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
    • Tiêu chuẩn và điều kiện khác theo quy định khác của pháp luật có liên quan và Điều lệ công ty.

Trong phần sau của bản Hướng dẫn pháp lý này, chúng tôi sẽ chỉ ra quy trình bầu các chức danh trên trong công ty cổ phần ngoài nhà nước.                                           

Quy trình bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban Kiểm soát

 1.  Đại hội đồng cổ đông bầu ra thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên

Sau khi thành lập, doanh nghiệp cần thực hiện bầu thành viên Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên để từ đó các thành viên này bầu ra Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban Kiểm soát[3]. Đại hội đồng cổ đông sẽ là cơ quan thực hiện việc bầu thành viên Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên dưới hình thức biểu quyết[4].

Việc bầu thành viên Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên sẽ được thực hiện trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Đại hội đồng cổ đông sẽ ban hành và thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp. Những người được bầu chính thức trở thành thành viên Hội đồng quản trị hoặc Ban Kiểm soát.

Ngoài ra, nguyên tắc lựa chọn thành viên trên số phiếu cũng được quy định tại Điều 148.3 Luật Doanh nghiệp 2020. Cụ thể, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác,  người trúng cử được xác định theo số phiếu bầu tính từ cao xuống thấp, bắt đầu từ ứng cử viên có số phiếu bầu cao nhất cho đến khi đủ số thành viên quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp có từ 02 ứng cử viên trở lên đạt cùng số phiếu bầu như nhau cho thành viên cuối cùng của Hội đồng quản trị thì sẽ tiến hành bầu lại trong số các ứng cử viên có số phiếu bầu ngang nhau hoặc lựa chọn theo tiêu chí quy định tại quy chế bầu cử hoặc Điều lệ công ty.

2.  Hội đồng quản trị bầu ra Chủ tịch hội đồng quản trị; Ban Kiểm soát bầu ra Trưởng Ban Kiểm soát

Theo Điều 157.1 Luật Doanh nghiệp 2020, “Chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng quản trị trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc bầu cử Hội đồng quản trị đó”. Nói cách khác, trong vòng 07 ngày sau khi Đại hội đồng cổ đông bầu ra các thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ được các thành viên Hội đồng quản trị bầu ra trong cuộc họp đầu tiên.

Giống như Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị cũng thông qua nghị quyết, quyết định bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty quy định. Mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết.

Đối với việc bầu Trưởng ban Kiểm soát, Điều 168.2 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Trưởng Ban kiểm soát do Ban kiểm soát bầu trong số các Kiểm soát viên; việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo nguyên tắc đa số […]”.

Như vậy, có thể thấy hai chức danh Chủ tịch hội đồng quản trị và Trưởng Ban Kiểm soát có những sự tương đồng nhất định. Hai chức danh này đều được bầu bởi những cơ quan chuyên trách trong công ty cổ phần. Thành viên của những cơ quan này – những người bầu ra các chức danh nói trên – được chọn ra bởi Đại hội đồng cổ đông. Điều này cho thấy Đại hội đồng cổ đông là cơ quan đứng đầu về mặt quyết định trong công ty cổ phần.

Quy trình bổ nhiệm Giám đốc/ Tổng Giám đốc của công ty cổ phần

Giám đốc / Tổng Giám đốc được bổ nhiệm bởi Hội đồng quản trị[5]. Thông qua phiên họp, Hội đồng quản trị sẽ ra quyết định bổ nhiệm đối với chức danh này.

Khác với Chủ tịch Hội đồng quản trị hay Trưởng Ban Kiểm soát, chức danh Giám đốc / Tổng Giám đốc không nhất thiết phải là thành viên của một cơ quan chuyên trách trong công ty hay là cổ đông công ty. Điều này cho phép công ty thuê ngoài nhân lực phù hợp để điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.

———————————————————————–

[1] Đối với công ty cổ phần có trên 11 cổ đông trở lên hoặc các cổ đông là tổ chức của công ty sở hữu từ 50% tổng số cổ phần của công ty trở lên (Điều 137.1 Luật Doanh nghiệp 2020).

[2] Không thuộc các đối tượng không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự”.

[3] Điều 156.1 Luật Doanh nghiệp 2020: “Chủ tịch Hội đồng quản trị do Hội đồng quản trị bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị”.

Điều 168.2 Luật Doanh nghiệp 2020: “Trưởng Ban kiểm soát do Ban kiểm soát bầu trong số các Kiểm soát viên […]”.

[4] Điều 147.2(d) Luật Doanh nghiệp 2020: “Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về các vấn đề sau đây phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông:

[…]

d) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát

[…]”.

[5] Điều 162.1 Luật Doanh nghiệp 2020: “Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”.

 

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.