Số 030323 – Quyền và nghĩa vụ giữa doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm khi tham gia Hợp đồng bảo hiểm

Kính gửi Quý khách hàng,

Giao kết hợp đồng bảo hiểm là một trong những bước quan trọng để xác định quyền và nghĩa vụ giữa doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đối với bên mua bảo hiểm. Việc nắm rõ thông tin về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm sẽ giúp các bên nâng cao ý thức trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình cũng như đảm bảo các quyền lợi bảo hiểm khi tham gia.

Do đó, trong phạm vi Hướng pháp lý này, những thông tin và lưu ý về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cũng như bên mua bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh Bảo hiểm số 08/2022/QH15 của Quốc hội ngày 16 tháng 06 năm 2022 (“LKDBH 2022”) sẽ được chúng tôi tổng hợp và làm rõ.

1. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài

1.1. Quyền của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài

Theo quy định tại Điều 20.1 LKCBH 2022, doanh nghiệp bảo hiểm[1], chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài[2] có các quyền sau đây:

(i) Thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

(ii) Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm;

(iii) Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 22.2 LKDBH 2022 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 của LKDBH 2022;

(iv) Từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

(v) Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của LKDBH 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan;

(vi) Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã bồi thường cho người được bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản; lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật; trách nhiệm dân sự do người thứ ba gây ra;

(vii) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

1.2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây[3]:

(i) Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

(ii) Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyềnvà nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

(iii) Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 của LKDBH 2022;

(iv) Cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;

(v) Bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

(vi) Giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

(vii) Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

(viii) Lưu trữ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật;

(ix) Bảo mật thông tin do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;

(x) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm

Tương tự như đối với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm[4] sẽ có các quyền và nghĩa vụ như sau:

2.1. Quyền của bên mua bảo hiểm

Theo quy định tại Điều 21.1 LKDBH 2022, bên mua bảo hiểm có các quyền sau đây:

(i) Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để giao kết hợp đồng bảo hiểm;

(ii) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm và giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm;

(iii) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cung cấp bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 của LKDBH 2022;

(iv) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan;

(v) Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều22.3 và Điều 35 LKDBH 2022 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 của LKDBH 2022;

(vi) Yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;

(vii) Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật;

(viii) Quyền khác theo quy định của pháp luật.

2.2. Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm

Về nghĩa vụ, bên mua bảo hiểm có các nghĩa vụ như sau[5]:

(i) Kê khai đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;

(ii) Đọc và hiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và nội dung khác của hợp đồng bảo hiểm;

(iii) Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

(iv) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài những trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc giảm rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm;

(v) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong giám định tổn thất;

(vi) Áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của LKDBH 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan;

(vii) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

 

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

————————————

[1] Điều 4.17 LKDBH 2022

“Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe.”

[2] Điều 4.20 LKDBH 2022

“Chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài bảo đảm và chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết trong thời gian hoạt động tại Việt Nam.”

[3] Điều 20.2 LKDBH 2022.

[4] Điều 4.24 LKDBH 2022

“Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và đóng phí bảo hiểm.”

[5] Điều 21.2 LKDBH 2022.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.