Bản tin pháp lý số tháng 1/2023 – Dự thảo Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được chính phủ bảo lãnh

 

Kính gửi Quý khách hàng,

Trong thời gian gần đây, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (“NHNN”) đã công bố bản Dự thảo Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (“Dự thảo Thông tư”) nhằm thay thế Thông tư số 12/2014/TT-NHNN của NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2014 (“Thông tư 12”).

Trong Bản tin pháp lý này, chúng tôi muốn tổng hợp những vấn đề nổi bật có tác động về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh khi Dự thảo Thông tư này chính thức được thông qua.

1. Giới hạn trần đối với chi phí vay nước ngoài

Trước đây, theo Thông tư 12, để điều hành hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả, khi cần thiết, Thống đốc NHNN có quyền quyết định việc áp dụng điều kiện về chi phí vay nước ngoài; quyết định và công bố mức trần chi phí vay nước ngoài trong từng thời kỳ[1]. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua NHNN chưa sử dụng biện pháp quy định trần chi phí vay.

Theo Dự thảo Thông tư, NHNN đề xuất quy định mức trần chi phí vay chia theo đồng tiền vay là đồng Việt Nam và ngoại tệ để đảm bảo phản ánh sát hơn mặt bằng chi phí vay của từng đồng tiền vay. Đối với chi phí vay bằng ngoại tệ, thực tế cách tính lãi suất vay rất đa dạng, do đó, NHNN đặt ra trần chi phí phân theo tiêu chí khoản vay có sử dụng lãi suất tham chiếu hoặc không sử dụng lãi suất tham chiếu để bao quát cơ bản các cách thức tính lãi suất hiện nay.

Theo đó, mức trần chi phí của các khoản vay lãi suất thả nổi được quy định cụ thể như sau:

(i) Đối với các khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ:

  • Đối với các khoản vay sử dụng lãi suất tham chiếu, Dự thảo Thông tư đề xuất trần chi phí vay đối với khoản vay bằng ngoại tệ sử dụng lãi suất tham chiếu ở các mức cao so với số liệu thống kê lịch sử (lãi suất tham chiếu + 5%/năm) + khoảng 3%/năm cho các loại phí, tương đương mức lãi suất tham chiếu + 8%/năm[2].
  • Đối với các khoản vay không sử dụng lãi suất tham chiếu, việc chọn lãi suất “SOFR Term kỳ hạn 6 tháng do tổ chức CME công bố” để tính toán mức trần chi phí cho những khoản vay không sử dụng lãi suất tham chiếu công bố rộng rãi là hoàn toàn phù hợp. Bởi lẽ lãi suất SOFR Term do tổ chức CME công bố là các mức lãi suất có kỳ hạn được tính toán dựa trên lãi suất SOFR do FED New York công bố và được chính Ủy ban thay thế lãi suất tham chiếu thuộc FED New York khuyến nghị sử dụng, do đó, sử dụng mức này đảm bảo mức trần chi phí đó bám sát biến động lãi suất trên thị trường quốc tế; tránh việc đặt ra mức cố định mang tính chất “áp đặt” về chi phí mà không có tính thị trường; hạn chế việc phải sửa đổi Thông tư khi có biến động lãi suất lớn trên thị trường.

(ii) Đối với các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam:

Dự thảo Thông tư đặt mức trần trên cơ sở tham chiếu lãi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam cộng với biên độ 8%/năm[3]. Trái phiếu chính phủ là công cụ nợ có rủi ro rất thấp, tính ổn định cao; lãi suất trái phiếu chính phủ phản ánh chi phí vay của Chính phủ (đối tượng gần như không có rủi ro tín dụng), do đó có thể sử dụng như lãi suất tham chiếu để tính mức trần chi phí.

Dự thảo Thông tư lựa chọn tham chiếu đến lãi suất trái phiếu Chính phủ trúng thầu (lãi suất thực hiện đối với trái phiếu chính phủ phát hành lần đầu – thị trường sơ cấp) là lãi suất phản ánh sát hơn mức giá trái phiếu mà bên mua sẵn sàng mua; và mức tham chiếu tại kỳ hạn 10 năm là loại trái phiếu chính phủ được giao dịch thường xuyên với khối lượng giao dịch chiếm tỷ trọng lớn, có tính đại diện cho lãi suất trái phiếu chính phủ nói chung và thuận tiện cho việc tra cứu.

2. Thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ

Đây được xem là một trong những điểm mới của Dự thảo Thông tư so với Thông tư 12. Bảo hiểm rủi ro ngoại hối bắt buộc lần đầu tiên được áp dụng như một biện pháp bảo vệ trước sự biến động tiền tệ. Yêu cầu thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ theo Dự thảo Thông tư sẽ làm phát sinh chi phí vay bổ sung. Bên vay phải bảo đảm các đơn vị tiền tệ sau được bảo hiểm rủi ro ngoại hối với các ngân hàng trong nước (là các ngân hàng được cấp phép cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro).

Bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ theo các nguyên tắc sau[4]:

(i) Đối với khoản vay nước ngoài ngắn hạn, bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ đối với các khoản vay ngắn hạn nước ngoài có kim ngạch vay trên 500.000 USD hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương; thời điểm thực hiện trước hoặc vào thời điểm rút vốn của khoản vay; giá trị giao dịch tối thiểu bằng 30% giá trị rút vốn; thời hạn giao dịch phù hợp với kế hoạch trả nợ của khoản vay ngắn hạn nước ngoài;

(ii) Đối với khoản vay nước ngoài trung dài hạn, bên đi vay phải thực hiện giao dịch phái sinh ngoại tệ đối với các đợt chuyển tiền trả nợ gốc có giá trị trên 500.000 USD hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương; thời điểm thực hiện tối thiểu 3 tháng trước ngày trả nợ gốc; giá trị của giao dịch tối thiểu bằng 30% số tiền trả nợ gốc; thời hạn của giao dịch phù hợp với kế hoạch trả nợ gốc của khoản vay trung dài hạn nước ngoài.

Điểm đáng chú ý là các bên vay là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, và các tổ chức/cá nhân có “đủ thu nhập ngoại tệ” (ví dụ: các công ty xuất khẩu) được miễn trừ yêu cầu bảo hiểm rủi ro ngoại hối[5].

3. Các giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước ngoài

Bên cạnh giới hạn trần đối với chi phí vay và giao dịch phái sinh ngoại tệ, các giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước ngoài cũng là một điểm mới tiếp theo của Dự thảo Thông tư này. Theo quy định tại Điều 8.1 Dự thảo Thông tư, bên đi vay và các bên liên quan thỏa thuận các giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước ngoài theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về giao dịch bảo đảm và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trường hợp khoản vay nước ngoài có tài sản bảo đảm trên lãnh thổ Việt Nam, Bên cho vay và các bên liên quan phải sử dụng tổ chức đại diện xử lý tài sản đảm bảo là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc pháp nhân khác được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm theo phương thức bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm[6].

Hiện tại, khái niệm tổ chức đại diện xử lý tài sản đảm bảo chưa được NHNN quy định rõ ràng. Khái niệm này chỉ được áp dụng trong bối cảnh cho vay hợp vốn khi mà các quy định của NHNN cho phép cụ thể một thành viên hợp vốn đóng vai trò là tổ chức đại diện xử lý tài sản đảm bảo và đại diện cho toàn bộ các bên cho vay hợp vốn. Do đó, trong các khoản tài trợ cho vay khác, các ngân hàng trong nước thường do dự trong việc chấp nhận các vai trò tổ chức đại diện xử lý tài sản đảm bảo khi không có cơ sở pháp lý rõ ràng. Sự thay đổi này được tán thành vì ở một mức độ nhất định, nó tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng trong nước đóng vai trò như các tổ chức đại diện xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến tất cả các khoản vay nước ngoài có bảo đảm.

4. Hạn chế các mục đích vay nước ngoài

Dự thảo Thông tư đã thu hẹp các mục đích mà doanh nghiệp có thể vay vốn nước ngoài. Cụ thể:

  • Đối với các khoản vay ngắn hạn nước ngoài, doanh nghiệp được vay nước ngoài để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn có nghĩa vụ phải trả trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài[7]. Tuy nhiên, mục đích này không bao gồm việc thanh toán (i) các khoản vay trong nước với người cư trú, và (ii) các khoản nợ phát sinh từ giao dịch chi mua chứng khoán kinh doanh, mua phần vốn góp hoặc cổ phần của công ty khác, mua bất động sản đầu tư hoặc nhận chuyển nhượng dự án.. Trong khi đó, Thông tư 12 hiện không áp đặt các hạn chế tương tự mà chỉ yêu cầu bên đi vay không được vay ngắn hạn nước ngoài cho mục đích trung/dài hạn. Điều đó có nghĩa là theo Dự thảo Thông tư, một doanh nghiệp không được sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
  • Đối với khoản vay trung và dài hạn nước ngoài, doanh nghiệp được vay nước ngoài để (i) thực hiện dự án đầu tư theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của doanh nghiệp hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, (ii) tăng quy mô vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc (iii) cơ cấu lại các khoản vay nước ngoài hiện hữu của doanh nghiệp. Một thay đổi tích cực liên quan đến mục đích cuối cùng đó là Dự thảo Thông tư bỏ điều kiện không làm tăng chi phí vay của khoản vay nước ngoài mới như tại Thông tư 12 hiện hành. Tuy nhiên, Dự thảo Thông tư không còn cho phép bên đi vay được phép vay nước ngoài để thực hiện phương án kinh doanh hoặc dự án của công ty con như được cho phép tại Thông tư 12.

5. Giới hạn vay nước ngoài

Theo Dự thảo Thông Tư, giới hạn vay nước ngoài được quy định như sau:

(i) Đối với bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài[8]

Khi vay ngắn hạn nước ngoài, bên đi vay phải đảm bảo tỷ lệ tối đa tổng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài (bao gồm cả khoản vay ngắn hạn nước ngoài dự kiến thực hiện) tính trên vốn tự có tại ngày làm việc cuối cùng của năm liền trước thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài theo lộ trình như sau:

  • Trong năm 2023: 25% đối với tổ chức tín dụng và 100% đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  • Từ năm 2024 trở đi: 20% đối với tổ chức tín dụng và 80% đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đối với khoản vay trung, dài hạn nước ngoài, bên đi vay phải đảm bảo tổng mức rút vốn ròng (giá trị rút vốn trừ giá trị trả nợ) của các khoản vay trung dài hạn nước ngoài của Bên đi vay trong năm (bao gồm cả khoản vay trung dài hạn nước ngoài dự kiến thực hiện) tính trên vốn tự có tại ngày làm việc cuối cùng của tháng liền trước thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài tối đa không vượt quá:

  • 10% áp dụng đối với bên đi vay là ngân hàng thương mại;
  • 50% áp dụng đối với bên đi vay là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng chính sách.

(ii) Đối với bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bên đi vay phải đáp ứng giới hạn vay trung dài hạn nước ngoài như sau[9]:

Trường hợp vay nước ngoài để thực hiện Dự án đầu tư: số dư nợ vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của Bên đi vay phục vụ cho dự án đó (bao gồm cả khoản vay trung dài hạn nước ngoài dự kiến thực hiện) tối đa không vượt quá phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Trường hợp vay nước ngoài để tăng quy mô vốn thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của Bên đi vay: Bên đi vay phải đảm bảo số dư nợ vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài (bao gồm cả khoản vay trung dài hạn nước ngoài dự kiến thực hiện) của Bên đi vay không vượt quá 03 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính được kiểm toán gần nhất tại thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài hoặc vốn điều lệ trong trường hợp vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ của Bên đi vay.

Trường hợp vay nước ngoài để cơ cấu lại khoản vay nước ngoài hiện hữu của Bên đi vay: kim ngạch vay tối đa không vượt quá dư nợ gốc và lãi của khoản vay nước ngoài được cơ cấu.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.

——————————–

[1] Điều 9.2 Thông tư 12.

[2] Điều 9.1(a) Dự thảo Thông tư.

[3] Điều 9.1(b) Dự thảo Thông tư.

[4] Điều 10.1 Dự Thảo Thông tư.

[5] Điều 10.2 Dự Thảo Thông tư.

[6] Điều 8.2 Dự Thảo Thông tư.

[7] Điều 15 Dự thảo Thông tư.

[8] Điều 13 Dự thảo Thông tư.

[9] Điều 16 Dự thảo Thông tư.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.