BẢN TIN PHÁP LÝ SỐ THÁNG 07/2022 – LƯƠNG TỐI THIỂU THEO VÙNG TỪ THÁNG 7/2022

Kính gửi Quý khách hàng,

Ngày 12/6/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP (“NĐ 38”) quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động (“NLĐ”) làm việc theo hợp đồng lao động từ ngày 01/7/2022. Trong phạm vi Bản tin pháp lý này, mức lương tối thiểu theo giờ, theo tháng theo vùng của NLĐ sẽ được chúng tôi tổng hợp và làm rõ.

1. Mức lương tối thiểu vùng[1]

Mức lương tối thiểu là mức thù lao tối thiểu mà người sử dụng lao động phải trả cho NLĐ trong thời gian làm việc nhất định trong điều kiện lao động bình thường.

Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

2. Mức lương tối thiểu theo tháng và theo giờ

Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với NLĐ áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của NLĐ làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng[2].

Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với NLĐ áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của NLĐ làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ[3].

3. Các mức lương tối thiểu vùng

NĐ 38 quy định các mức lương tối thiểu theo tháng và theo giờ cho từng vùng như sau[4]:

Vùng Mức lương tối thiểu

tháng (VNĐ/tháng)

Mức lương tối thiểu

theo giờ (VNĐ/tháng)

Vùng I 4.680.000 22,500
Vùng II 4.160.000 20,000
Vùng III 3.640.000 17,500
Vùng IV 3.250.000 15,600

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.[5]

Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo NĐ 38.

4. Việc áp dụng địa bàn vùng[6]

a) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

a) Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

b) Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

c) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

d) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

e) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo NĐ

 

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

 

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.

———————————————

[1] Điều 91 Bộ luật Lao động 2019.

[2] Điều 4.1 NĐ 38.

[3] Điều 4.2 NĐ 38.

[4] Điều 3.1 NĐ 38.

[5] Điều 3.1 NĐ 38.

[6] Điều 3.3 NĐ 38.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.