Bản tin pháp lý số tháng 6/2023 – Những điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022

Kính gửi Quý khách hàng,

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được Quốc hội thông qua và ban hành ngày 16/6/2022 (“Luật KDBH 2022”). Đây là văn bản pháp lý quan trọng và được kỳ vọng sẽ tạo ra bước phát triển mới cho thị trường bảo hiểm nước ta trong thời gian tới. Luật KDBH 2022 có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2023.

Trong Bản tin pháp lý số này, những điểm mới đáng chú ý của Luật KDBH 2022 sẽ được chúng tôi tổng hợp và làm rõ.

1. Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam  

Để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, Luật KDBH 2022 đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam và tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo đó, Luật KDBH 2022 khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm[1] nhằm tạo sự rõ ràng, phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại WTO và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm. Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài. 

2. Hợp đồng bảo hiểm

Bên cạnh việc thực hiện các cam kết quốc tế, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, Luật KDBH 2022 cũng đã có các sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến hợp đồng bảo hiểm như hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm[2], hợp đồng vô hiệu[3], đơn phương chấm dứt hợp đồng[4], bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng… để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Dân sự 2015, dễ áp dụng trên thực tế. Đồng thời, Luật KDBH 2022 phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm[5]; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm; nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin[6].

Ngoài ra, Luật KDBH 2022 còn tiến hành bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm[7]; quyền thỏa thuận giao kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm[8]; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ, để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm. Về giải quyết tranh chấp, Luật KDBH 2022 đã bổ sung thêm quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài hoặc Tòa án[9].

Có thể thấy rằng Luật KDBH 2022 đã quy định rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm trong đó yêu cầu bên mua bảo hiểm đọc kỹ quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm cũng như giải thích rõ cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm, các điều khoản loại trừ trách nhiệm và quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng. Điều khoản này sẽ hạn chế các trường hợp tranh chấp do bên mua bảo hiểm chưa được giải thích về các điều khoản, điều kiện trong hợp đồng, nhất là các rủi ro bị loại trừ. 

3. Quy định chung về đầu tư của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam

Đây là một trong những cách tiếp cận mới của Luật KDBH 2022. Việc đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam[10] phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây[11]:

(i)       Bảo đảm an toàn, thanh khoản, hiệu quả; tuân thủ quy định pháp luật, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư;

(ii)      Dự phòng nghiệp vụ chỉ được đầu tư tại Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại Điều 100.2(b) của Luật KDBH 2022;

(iii)     Không được vay để đầu tư, ủy thác đầu tư vào chứng khoán, kinh doanh bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác;

(iv)      Không được đầu tư quá 30% nguồn vốn đầu tư vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu lẫn nhau. Quy định này không áp dụng với việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập doanh nghiệp hoặc thành lập chi nhánh tại nước ngoài;

(v)       Không được đầu tư trở lại dưới mọi hình thức cho các cổ đông, thành viên góp vốn hoặc người có liên quan với cổ đông, thành viên góp vốn theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ tiền gửi tại các cổ đông, thành viên là tổ chức tín dụng;

(vi)       Không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành;

(vii)      Trường hợp ủy thác đầu tư, tổ chức nhận ủy thác phải được cấp phép thực hiện hoạt động nhận ủy thác đầu tư phù hợp với nội dung nhận ủy thác đầu tư.

Ngoài ra, liên quan đến quy định chung về đầu tư, Luật KDBH 2022 quy định doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp[12]: (i) mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng; (ii) mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; (iii) cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; (iv) nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 03 năm kể từ ngày nắm giữ.

Việc quy định chặt chẽ về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được đầu tư kinh doanh bất động sản nhằm thống nhất với quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Đồng thời do đây cũng là lĩnh vực rủi ro rất cao nên việc quy định như vậy để đảm bảo doanh nghiệp bảo hiểm có đủ khả năng chi trả, đảm bảo quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2028[13].

4. Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm

Việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm không những phải bảo đảm tuân thủ các quy định chung về đầu tư quy định tại Điều 99 Luật KDBH 2022 mà còn phải bảo đảm tuân thủ được các quy định sau đây[14]:

(i)       Bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm;

(ii)      Tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, pháp luật về đầu tư, pháp luật về quản lý ngoại hối;

(iii)     Thực hiện dưới tên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đó;

(iv)     Thực hiện quản lý và theo dõi tách biệt nguồn vốn đầu tư, tài sản đầu tư, doanh thu, chi phí của hoạt động đầu tư ra nước ngoài;

(v)      Không được sử dụng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

(vi)      Được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài.

5. Dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm, sau đây gọi là chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Điều này đồng nghĩa với việc Luật KDBH 2022 đã bãi bỏ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Sở dĩ có sự thay đổi này là bởi trước đó, Quỹ này đã tồn tại qua 12 năm nhưng chưa được sử dụng lần nào và ít có khả năng phải sử dụng. Do vậy, theo Điều 98 Luật KDBH 2022 không còn quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm mà chỉ còn quy định về Quỹ dự trữ như sau:

(i)      Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải trích lập quỹ dự trữ bắt buộc để bổ sung vốn chủ sở hữu và bảo đảm khả năng thanh toán.

(ii)     Quỹ dự trữ bắt buộc được trích hàng năm theo tỷ lệ 05% lợi nhuận sau thuế cho đến khi bằng mức tối đa theo quy định của Chính phủ.

Ngoài quỹ dự trữ bắt buộc, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể lập các quỹ dự trữ khác từ lợi nhuận sau thuế của năm tài chính theo quy định tại điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, quy chế tổ chức và hoạt động của chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam[15].

6. Tài chính, hạch toán kế toán, báo cáo tài chính

Một trong những điểm thay đổi quan trọng, tác động đến hoạt động kinh doanh của các công ty bảo hiểm là về vốn. Thay vì cào bằng như trước đây, Luật KDBH 2022 theo hướng phân loại rõ ràng từng loại vốn của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trong quá trình hoạt động kinh doanh[16]; bổ sung yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn[17] nhằm đảm bảo vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của các nhóm rủi ro cơ bản. Quy định mới được cho là sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, quản trị lành mạnh phát triển và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro.

Bên cạnh đó, Luật KDBH 2022 cũng đã bổ sung quy định yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập hàng năm đối với Báo cáo tài chính, Báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm, Báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và rủi ro[18].

7. Bảo hiểm tạm thời trong bảo hiểm nhân thọ

Doanh nghiệp bảo hiểm cấp bảo hiểm tạm thời cho bên mua bảo hiểm kể từ thời điểm nhận được yêu cầu bảo hiểm và phí bảo hiểm tạm tính của bên mua bảo hiểm. Thời hạn bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm tạm thời do doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận. Bảo hiểm tạm thời kết thúc sau khi doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận hoặc từ chối bảo hiểm hoặc trường hợp khác theo thỏa thuận[19].

8. Thời hạn bồi thường, trả tiền bảo hiểm

Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp không có thỏa thuận về thời hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm[20].

Theo quy định tại Điều 31.2 Luật KDBH 2022, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chậm bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo quy định thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất đối với số tiền chậm trả được xác định theo thỏa thuận của các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự. 

9. Cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng

Luật KDBH 2022 đã bổ sung quy định cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng[21]. Theo đó, các tổ chức, cá nhân được phép cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng bao gồm sẽ bao gồm: (i) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; (ii) Đại lý bảo hiểm; (iii) Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được chủ động lựa chọn các hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng. Ngược lại, đối với đại lý bảo hiểm thì chỉ được cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng trong phạm vi hợp đồng đại lý bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thực hiện cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng phải chịu trách nhiệm với bên mua bảo hiểm nếu hoạt động cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm đó làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm. Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm trên môi trường mạng có trách nhiệm cung cấp trung thực, chính xác các thông tin theo quy định tại Điều 22 Luật KDBH 2022.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.

———————————————————–

[1] Điều 68 Luật KDBH 2022.

[2] Điều 20.1(c) và Điều 21.1(đ) Luật KDBH 2022.

[3] Điều 25 Luật KDBH 2022.

[4] Điều 27 Luật KDBH 2022.

[5] Điều 15.1 Luật KDBH 2022.

[6] Điều 22 Luật KDBH 2022.

[7] Điều 16 Luật KDBH 2022.

[8] Điều 15.2 Luật KDBH 2022.

[9] Điều 32 Luật KDBH 2022.

[10] Điều 2.2 Luật KDBH 2022: “Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam).”

[11] Điều 99.2 Luật KDBH 2022.

[12] Điều 99.3(a) Luật KDBH 2022.

[13] Điều 156.2 Luật KDBH 2022.

[14] Điều 100.3 Luật KDBH 2022.

[15] Điều 98 Luật KDBH 2022.

[16] Điều 94 Luật KDBH 2022.

[17] Điều 95 Luật KDBH 2022.

[18] Điều 105 Luật KDBH 2022.

[19] Điều 36 Luật KDBH 2022.

[20] Điều 31.1 Luật KDBH 2022.

[21] Điều 14 Luật KDBH 2022.

 

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.