Số 021123 – Thủ tục chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài

Kính gửi Quý khách hàng,

Trong thập kỷ qua, các chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư ra nước ngoài đã ngày càng được hoàn thiện. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh và nâng tỷ lệ tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm cả các vấn đề nội tại trong dự án và áp lực từ các yếu tố bên ngoài, nhiều doanh nghiệp đã phải quyết định chấm dứt các dự án đầu tư ra nước ngoài của họ.

Bài viết lần này của chúng tôi sẽ đi sâu vào phân tích những trường hợp chấm dứt hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo pháp luật Việt Nam đồng thời cung cấp tới cho quý khách hàng hồ sơ, trình tự và thủ tục thực hiện thủ tục chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài.

1. Các trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài

Theo điều 64 Luật đầu tư 2020, dự án đầu tư ra nước ngoài bị chấm dứt trong những trường hợp sau:

(1)      Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án;

(2)      Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;

(3)      Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;

(4)      Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài;

(5)      Quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư;

(6)      Tổ chức kinh tế ở nước ngoài bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

(7)       Theo bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài.

2. Quy trình thực hiện thanh lý tài sản tại nước ngoài và chuyển tài sản về Việt Nam

Do hồ sơ chấm dứt hoạt động đầu tư ra nước ngoài tại Việt Nam yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh đã thanh lý tài sản tại nước ngoài và chuyển về Việt Nam, do đó, nhà đầu tư cần thực hiện thủ này cũng như các thủ tục chấm dứt đầu tư tại nước sở tại trước tiên. Theo đó, điều 86 Nghị định 31/2021/NĐCP quy định, khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động, nhà đầu tư sẽ thực hiện thanh lý tài sản tại nước ngoài và chuyển về Việt Nam như sau:

(1)      Ngay sau khi kết thúc dự án đầu tư, nhà đầu tư phải thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư.

(2)      Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư liên quan đến kết thúc việc thanh lý dự án đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển về nước toàn bộ các khoản thu còn lại từ việc thanh lý dự án đầu tư.

(3)      Trường hợp có nhu cầu kéo dài thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều này, chậm nhất trước ngày hết hạn nhà đầu tư phải có văn bản đề nghị và nêu rõ lý do gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, quyết định. Việc gia hạn được thực hiện không quá một lần và không quá 06 tháng. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản trả lời nhà đầu tư về việc gia hạn thời hạn chuyển về nước toàn bộ các khoản thu còn lại từ việc thanh lý dự án đầu tư.

(4)      Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hoàn tất việc thanh lý dự án đầu tư tại nước ngoài và chuyển về nước toàn bộ các khoản thu còn lại từ việc thanh lý dự án đầu tư (nếu có), nhà đầu tư làm thủ tục chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài.

3. Hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Theo Điều 87.1, Nghị định 31/2021/NĐCP, nhà đầu tư nộp 02 bộ Hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) gồm các tài liệu sau:

(1)      Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

(2)      Bản gốc các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đã cấp;

(3)     Quyết định chấm dứt dự án đầu tư tại nước ngoài tương ứng với quy định tại Điều 59 của Luật Đầu tư;

(4)      Tài liệu chứng minh nhà đầu tư đã hoàn thành việc kết thúc, thanh lý dự án và chuyển toàn bộ tiền, tài sản, các khoản thu từ kết thúc, thanh lý dự án về nước theo quy định tại Điều 86 của Nghị định này;

(5)      Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư.

4. Quy trình đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Theo điều 87 Nghị định 31/2021/NĐCP, quy trình đề nghị chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được thực hiện như sau:

– Nhà đầu tư nộp bộ hồ sơ tới nghị theo như đã nêu tại mục 2 tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc có nội dung cần được làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư để hoàn thiện hồ sơ.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tình hình giao dịch ngoại hối của nhà đầu tư; việc chấp hành quy định của pháp luật về ngoại hối của nhà đầu tư, các vi phạm và xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền (nếu có);

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra quyết định chấm dứt hiệu lực và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài gửi nhà đầu tư;

Lưu ý:

– Trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài do nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài, trước khi thực hiện việc chuyển toàn bộ vốn đầu tư ở nước ngoài cho nhà đầu tư nước ngoài và chấm dứt dự án, nhà đầu tư phải thông báo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

– Trường hợp chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài do quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và không thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, đồng thời nhà đầu tư cũng không thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐCP thực hiện:

  • Chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài gửi nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
  • Sau khi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bị chấm dứt hiệu lực, nếu nhà đầu tư muốn tiếp tục thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài thì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐCP.

– Đối với các dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư, cơ quan quyết định việc đầu tư ra nước ngoài thực hiện chấm dứt dự án và báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.