Bản tin pháp lý tháng 10 – Cập nhật về Luật Giao dịch điện tử mới năm 2023

Kính gửi Quý khách hàng,

Ngày 29 tháng 11 năm 2005, Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 (“LGDĐT 2005”). Tuy nhiên sau gần 18 năm thực hiện đến nay, LGDĐT 2005 đã bộc lộ rõ những bất cập, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế phát triển, không đáp ứng được nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như công cuộc chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam trong giai đoạn tới. Chính vì vậy, ngày 22 tháng 6 năm 2023, Quốc hội đã ban hành Luật Giao dịch điện tử số 19/2023/QH15 (“LGDĐT 2023”), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.

Trong Bản tin pháp lý này, chúng tôi muốn tổng hợp và làm rõ những chính sách mới khi Luật này chính thức có hiệu lực.

1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh LGDĐT 2023

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là một trong những thay đổi đáng chú ý nhất của LGDĐT 2023. Hiện nay, Luật GDĐT 2005 quy định không áp dụng giao dịch điện tử đối với “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác[1]”.

Tuy nhiên, trên thực tế lại cho thấy, một số lĩnh vực loại trừ áp dụng trong phạm vi điều chỉnh của Luật GDĐT 2005 hiện nay đã được triển khai rộng rãi trên cổng thông tin điện tử quốc gia mức độ 3, 4 như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn,… Do đó, việc loại trừ này có thể gây khó khăn cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực thuộc phạm vi kể trên.

Chính vì vậy Luật GDĐT 2023 sửa đổi, mở rộng phạm vi điều chỉnh, cụ thể:

“1. Luật này quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.

2. Luật này không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch.

3. Trường hợp luật khác quy định hoặc không quy định giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng theo quy định của Luật này. Trường hợp luật khác quy định không được thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử thì thực hiện theo quy định của luật đó[2].”

Có thể thấy rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật GDĐT 2023 là hoàn toàn hợp lý và phù hợp, góp phần vào việc thiết lập một hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số tất cả ngành, lĩnh vực.

2. Các hành vi nghiêm cấm trong giao dịch điện tử

Bên cạnh việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, Luật GDĐT 2023 đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn về những hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng luật. Các hành vi bị cấm bao gồm[3]:

(i)       Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

(ii)      Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

(iii)      Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

(iv)       Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

(v)       Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

(vi)      Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

(vii)      Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

(viii)      Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

3. Chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu

Việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu cũng là một trong những thay đổi hoàn toàn mới được bổ sung vào Luật GDĐT 2023. Việc chuyển đổi cần đảm bảo các điều kiện khác của luật chuyên ngành liên quan đến nội dung hoặc hình thức văn bản. Giá trị pháp lý của văn bản được chuyển đổi theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện chuyển đổi thì thông điệp dữ liệu hay văn bản giấy là kết quả của việc chuyển đổi sẽ không có giá trị pháp lý.

Trong trường hợp thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các điều kiện sau[4]:

(i)       Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy;

(ii)       Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu;

(iii)       Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;

(iv)       Có chữ ký số của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngược lại, đối với trường hợp văn bản giấy được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây[5]:

(i)        Thông tin trong văn bản giấy được bảo đảm toàn vẹn như thông điệp dữ liệu;

(ii)        Có thông tin để xác định được hệ thống thông tin và chủ quản hệ thống thông tin tạo lập, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu gốc để tra cứu;

(iii)        Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;

(iv)        Có chữ ký, con dấu (nếu có) của cơ quan, tổ chức thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật.

4. Chứng thư điện tử

Luật GDĐT 2023 đã sửa đổi khái niệm về chứng thư điện tử. Theo quy định mới, chứng thư điện tử là giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành dưới dạng dữ liệu điện tử[6]. Trong khi hiện nay Luật GDĐT 2005 quy định chứng thư điện tử là thông điệp dữ liệu do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử phát hành nhằm xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân được chứng thực là người ký chữ ký điện tử[7]. Điều này giúp giải quyết điểm vướng mắc lớn nhất trong dịch vụ công trực tuyến toàn trình đó là kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng điện tử.

Thông tin trong chứng thư điện tử có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các yêu cầu sau[8]:

(i)       Chứng thư điện tử được ký bằng chữ ký số của cơ quan, tổ chức phát hành theo quy định của Luật GDĐT 2023;

(ii)       Thông tin trong chứng thư điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh;

(iii)       Trường hợp pháp luật yêu cầu chỉ ra thời gian liên quan đến chứng thư điện tử thì chứng thư điện tử phải có dấu thời gian.

Nếu thiếu một trong số các điều kiện trên, thông tin trong chứng thư điện tử sẽ không có giá trị pháp lý.

Chứng thư điện tử do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp được miễn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5. Chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài

Theo quy định tài Điều 26.2 Luật GDĐT 2023, để chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam được công nhận thì chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài hình thành dựa trên thông tin định danh đầy đủ đã được xác thực của tổ chức, cá nhân nước ngoài. Như vậy, so với Luật GDĐT 2005, Luật GDĐT 2023 đã quy định chặt chẽ và rõ ràng hơn về việc công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam.

Đối tượng được sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài được công nhận nêu trên là tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu giao dịch điện tử với tổ chức, cá nhân nước ngoài mà chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử của tổ chức cung cấp dịch vụ trong nước chưa được công nhận tại nước đó.

Ngoài ra, trong trường hợp cần chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài thì chỉ có những tổ chức đáp ứng được các điều kiện sau mới có thể cung cấp dịch vụ[9]:

(i)       Thành lập và hoạt động hợp pháp tại quốc gia đăng ký hoạt động; có báo cáo kiểm toán kỹ thuật của hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử từ tổ chức kiểm toán hoạt động hợp pháp tại quốc gia đăng ký hoạt động;

(ii)       Chữ ký điện tử nước ngoài, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài cung cấp phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

(iii)       Chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài cung cấp hình thành dựa trên thông tin định danh đầy đủ đã được xác thực của tổ chức, cá nhân nước ngoài;

(iv)       Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài phải cập nhật trạng thái của chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài vào hệ thống chứng thực dịch vụ tin cậy của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam;

(v)        Có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

6. Dịch vụ tin cậy

Theo quy định tại Điều 28 Luật GDĐT 2023, dịch vụ tin cậy bao gồm các loại dịch vụ như sau:

(i)       Dịch vụ cấp dấu thời gian;

(ii)       Dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu;

(iii)       Dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng.

Đối với dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và dịch vụ cấp dấu thời gian, trên thực tế đây không phải là hai dịch vụ tin cậy mới mà nó đã được triển khai theo quy định tại Nghị định 130/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27 tháng 9 năm 2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Đối với dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, sở dĩ Luật GDĐT 2023 bổ sung thêm dịch vụ này là do phát sinh từ nhu cầu xác thực tính toàn vẹn, không bị chỉnh sửa của thông điệp dữ liệu và dịch vụ nhân, gửi thông điệp dữ liệu. Trong tương lại, dịch vụ này sẽ tương tự như dịch vụ công chứng chứng thực, sao y tài liệu bản gốc đối với tài liệu bản giấy hiện nay, nhưng được thuc hiện trên môi trường điện tử.

Dịch vụ tin cậy là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do đó các tổ chức cung cấp dịch vụ này phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp và được quyền đăng ký một hoặc các dịch vụ tin cậy nêu trên. Thời hạn của giấy phép kinh doanh dịch vụ tin cậy là 10 năm.

Đặc biệt, đối với dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại, các tổ chức khi kinh doanh trong lĩnh vực này phải đáp ứng điều kiện hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử và điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy theo quy định tại Điều 29 của Luật GDĐT 2023.

7. Quy định chặt chẽ hơn về hợp đồng điện tử

Nếu như theo quy định của Luật GDĐT 2005, hợp đồng điện tử chỉ được định nghĩa là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này thì tại Luật GDĐT 2023 khái niệm này đã được quy định chi tiết hơn. Theo đó, hợp đồng điện tử sẽ được giao kết thực hiện giữa (i) hệ thống thông tin tự động với người; hoặc (ii) các hệ thống thông tin tự động với nhau[10]. Như vậy, dù hợp đồng điện tử được giao kết hoặc thực hiện bằng hệ thống thông tin tự động (không cần sự can thiệp của con người) thì vẫn có giá trị pháp lý để ràng buộc các bên trong hợp đồng phải tuân thủ và thực hiện. Ví dụ việc người dùng đồng ý các điều khoản điều kiện khi sử dụng dịch vụ của Apple, Google, v.v.  Ngoài ra, Luật GDĐT 2023 còn bổ sung thêm trách nhiệm của các Bộ trong việc ban hành các quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử liên quan đến lĩnh vực quản lý.

Từ những phân tích nêu trên, có thể nhận thấy rằng trong tương lai gần, việc giao dịch bằng hợp đồng điện tử có thể trở nên rất phổ biển và phát triển ở mọi mặt của đời sống xã hội, thậm chí có thể trở thành một xu hướng và dần thay thế hợp đồng bằng hình thức bản giấy truyền thống. Ngay từ thời điểm này, việc các doanh nghiệp nắm rõ quy định của pháp luật và chuẩn bị các bước cần thiết để dần tiếp cận hình thức giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử là rất quan trọng.

Như thường lệ, chúng tôi hi vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.

———————————————————–

[1] Điều 1 Luật GDĐT 2005.

[2] Điều 1 Luật GDĐT 2023.

[3] Điều 6 Luật GDĐT 2023.

[4] Điều 12.1 Luật GDĐT 2023.

[5] Điều 12.2 Luật GDĐT 2023.

[6] Điều 3.5 Luật GDĐT 2023.

[7] Điều 4.1 Luật GDĐT 2023.

[8] Điều 19 Luật GDĐT 2023.

[9] Điều 26.1 Luật GDĐT 2023.

[10] Điều 34 Luật GDĐT 2023.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.