Số 031221 – Ưu điểm và nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam

Kính gửi Quý khách hàng,

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp được tổ chức theo nhiều loại hình khác nhau với những ưu điểm và nhược điểm riêng biệt. Do đó, đối với các thương nhân khi thành lập doanh nghiệp, việc am hiểu và lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp là rất cần thiết và quan trọng. Nhằm cung cấp những hiểu biết sơ bộ nhất cho Quý khách hàng, ENT xin tổng hợp những ưu, nhược điểm nổi bật của các loại hình doanh nghiệp trong bài viết dưới đây.

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, có 5 loại hình doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam, bao gồm:

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

3. Công ty cổ phần.

4. Doanh nghiệp tư nhân.

5. Công ty hợp danh.

Công ty trách nhiệm hữu hạn (“CTTNHH”)

Đặc điểm

1. Các đặc điểm chung của loại hình CTTNHH:

2. Chủ thể thành lập doanh nghiệp có thể là cá nhân hoặc tổ chức.

3. Công ty có tư cách pháp nhân, thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

4. CTTNHH không được quyền phát hành cổ phần để huy động vốn.

5. CTTNHH chia thành hai loại là CTTNHH1 thành viên và CTTNHH2 thành viên trở lên, có ưu điểm và nhược điểm như sau:

CTTNHH 1 thành viên

Ưu điểm

1. Chỉ có duy nhất một chủ sở hữu, nên chủ sở hữu công ty có quyền quyết định toàn bộ trong quản lý và điều hành công ty.

2. Cơ cấu tổ chức đơn giản, dễ quản lý.

3. Chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn giúp chủ sở hữu công ty chịu ít rủi ro hơn.

Nhược điểm

1. Chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn trong nhiều trường hợp làm giảm sự tin tưởng từ các đối tác muốn liên kết, hợp tác.

2. Hạn chế trong việc lựa chọn các hình thức huy động vốn. Trường hợp công ty muốn tăng vốn điều lệ bằng cách tiếp nhận phần vốn của thành viên mới thì phải chuyển đổi sang loại hình CTTNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần[1].

CTTNHH 2 thành viên trở lên

Ưu điểm

1. Thành viên công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình trong những trường hợp nhất định[2].

2. Quy định về việc mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp giữa các thành viên trong công ty được luật pháp quy định khá chặt chẽ. Một thành viên trong công ty phải ưu tiên chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp cho các thanh viên khác của công ty trước khi chào bán cho người khác[3]. Theo đó, nhà quản lý dễ dàng kiểm soát được phần vốn góp của các thành viên, hạn chế được sự gia nhập của người lạ vào công ty.

3. Thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn của mình.

Nhược điểm

1. Chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn trong nhiều trường hợp làm giảm sự tin tưởng từ các đối tác muốn liên kết, hợp tác.

2. Việc giới hạn số lượng 50 thành viên góp vốn[4] làm hạn chế khả năng huy động vốn của loại hình doanh nghiệp này so với công ty cổ phần.

3. Không được phát hành cổ phiếu ra công chúng.

4. Thuế chuyển nhượng cao đối với trường hợp chuyển nhượng vốn góp (thuế suất 20%[5]).

Công ty cổ phần (“CTCP”)

Đặc điểm

1. Có tư cách pháp nhân, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp của mình.

2. Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.

3. Cổ đông tham gia góp vốn có thể là cá nhân, tổ chức; số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không hạn chế số lượng tối đa[6].

4. CTCP có quyền phát hành cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn.

Ưu điểm

1. Khả năng huy động vốn cao và linh hoạt do CTCP không giới hạn số lượng cổ đông góp vốn và được quyền phát hành cổ phiếu ra công chúng.

2. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong CTCP tương đối đơn giản, vì thế thu hút được nhiều nhà đầu tư cùng tham gia góp vốn vào công ty.

3. Chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn giúp các cổ đông giảm bớt rủi ro trong quá trình hoạt động của công ty.

4. Tối ưu hoá về thuế khi chuyển nhượng cổ phần (thuế suất 0,1%[7]).

Nhược điểm

1. Chế độ chịu trách nhiệm hữu hạn trong nhiều trường hợp làm giảm sự tin tưởng từ các đối tác muốn liên kết, hợp tác.

2. Việc quản lý và điều hành CTCP rất phức tạp do số lượng cổ đông rất lớn, nhiều cổ đông có thể không quen biết nhau và có thể có sự phân hóa thành các nhóm cổ đông trong công ty đối kháng nhau về lợi ích.

3. Trong 3 năm đầu tiên sau khi thành lập CTCP, cổ phần của cổ đông sáng lập không được chuyển nhượng cho cổ đông khác không phải cổ đông sáng lập nếu không có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông[8].

4. Quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông hoặc nhóm cổ đông thiểu số không được đảm bảo. Thực tế, tại các CTCP của Việt Nam, quyền lực của công ty tập trung chủ yếu vào các cổ đông lớn và những người điều hành quản lý công ty, cho nên đối với những CTCP có Ban kiểm soát được lập ra mang tính chất hình thức hoặc không có Ủy ban kiểm toán nội bộ thì quyền lợi của các cổ đông nhỏ lẻ có thể bị ảnh hưởng.

5. Quy trình ra quyết định phức tạp hơn do phải thông qua ý kiến của Hội Đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông.

Doanh nghiệp tư nhân (“DNTN”)

Đặc điểm

1. Không có tư cách pháp nhân.

2. Do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ưu điểm

1. Thủ tục thành lập đơn giản.

2. Chủ DNTN hoàn toàn chủ động và có toàn quyền quyết định trong việc quản lý và điều hành doanh nghiệp.

3. DNTN ít bị chịu sự ràng buộc chặt chẽ bởi pháp luật.

4. Chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tạo được sự tin tưởng cho các đối tác, khách hàng.

Nhược điểm

1. Chế độ chịu trách nhiệm vô hạn gây rủi ro lớn cho chủ DNTN.

2. DNTN không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào, cũng như không được bán phần vốn góp cho cá nhân hoặc tổ chức khác, nên không có khả năng huy động vốn từ bên ngoài.

3. Chủ DNTN chỉ được quyền thành lập 01 DNTN và không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong các loại hình doanh nghiệp khác[9].

Công ty hợp danh (“CTHD”)

Đặc điểm[10]

1. Có tư cách pháp nhân.

2. Thành viên: Có ít nhất 2 thành viên hợp danh là chủ sở hữu chung của công ty và các thành viên góp vốn (nếu có).

3. Thành viên hợp danh: là cá nhân, chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.

4. Thành viên góp vốn: là tổ chức hoặc cá nhân, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp của mình.

Ưu điểm

1. Việc quản lý và điều hành CTHD không quá phức tạp, do số lượng thành viên ít.

2. Chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh tạo được sự tin cậy của các đối tác kinh doanh.

Nhược điểm

1. Rủi ro của các thành viên hợp danh cao do chế độ chịu trách nhiệm vô hạn.

2. Thành viên hợp danh không được làm chủ DNTN, không được làm thành viên hợp danh của CTHD khác và không được chuyển nhượng vốn góp của mình cho cá nhân, tổ chức khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh khác[11].

3. Thành viên góp vốn không có quyền quản lý doanh nghiệp.

4. Công ty không được phát hành cổ phiếu để huy động vốn.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

—————————————————–

[1] Theo Điều 87.2 Luật Doanh nghiệp 2020.

[2] Theo Điều 51.1 Luật Doanh nghiệp 2020.

[3] Theo Điều 52.1 Luật Doanh nghiệp 2020.

[4] Theo Điều 46.1 Luật Doanh nghiệp 2020.

[5] Theo Điều 11.1.b Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế Thu nhập Cá nhân.

[5] Theo Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020.

[6] Theo Điều 111.1(b) Luật Doanh nghiệp 2020.

[7] Theo Điều 11.2.b(2) Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế Thu nhập Cá nhân.

[8] Theo Điều 120.3 Luật Doanh nghiệp 2020.

[9] Theo Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020.

[10] Theo Điều 177.1 Luật Doanh nghiệp 2020.

[11] Theo Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.