Số 021221 – Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng

 

Kính gửi Quý khách hàng,

Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng là hai chế tài thường gặp trong các hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, đối với mỗi lĩnh vực khác nhau thì quy định về bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành riêng biệt. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung chia sẻ các quy định pháp luật có liên quan đến bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng.

I. KHÁI QUÁT VỀ PHẠT VI PHẠM VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

1. Phạt vi phạm

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 418 BLDS, phạt vi phạm được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 13 BLDS, bồi thường thiệt hại được hiểu là việc cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Hợp đồng xây dựng

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng, hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Căn cứ vào định nghĩa trên có thể thấy hợp đồng xây dựng là một loại hợp đồng dân sự và chịu sự điều chỉnh của BLDS. Mặt khác, thông thường hợp đồng xây dựng được giao kết bởi tối thiểu một bên chủ thể là thương nhân và mục đích của hợp đồng là để sinh lời, do vậy hợp đồng xây dựng cũng đồng thời là hợp đồng thương mại và chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại.

Như vậy, một hợp đồng xây dựng sẽ chịu sự điều chỉnh đồng thời của BLDS, Luật Thương mại và Luật Xây dựng. Điều này có thể dẫn tới tình trạng xung đột pháp luật nếu như có một vấn đề pháp lý được quy định khác nhau giữa các văn bản luật.

II. PHẠT VI PHẠM VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG THEO LUẬT XÂY DỰNG

1. Phạt vi phạm

1.1. Giải quyết xung đột pháp luật về mức phạt vi phạm

Hiện nay, mức phạt vi phạm quy định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam chưa có sự thống nhất. Cụ thể, Điều 301 Luật Thương mại quy định mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng nhưng không vượt quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Đối với Luật Xây dựng, mức phạt tối đa là 12% giá trị phần hợp đồng vi phạm và chỉ áp dụng cho trường hợp công trình xây dựng sử dụng vốn Nhà nước. Khác với hai văn bản luật đã nêu trên, BLDS không có giới hạn về mức phạt tối đa mà để cho các bên tự thoả thuận trong hợp đồng. Do vậy, các bên có thể sẽ gặp khó khăn trong việc xác định mức phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, chúng tôi sẽ giải thích về hai nguyên tắc cơ bản khi xảy ra xung đột pháp luật như sau:

    • Nguyên tắc văn bản ban hành sau: Nguyên tắc này được hiểu là trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau (Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành VBQPPL);
    • Nguyên tắc luật chung và luật chuyên ngành: Nguyên tắc này được hiểu là trong trường hợp luật chung (ví dụ như BLDS) và luật riêng (ví dụ như Luật Thương mại, Luật Xây dựng) cùng điều chỉnh một vấn đề pháp lý, nếu các quy định trong luật chuyên ngành không trái với quy phạm pháp luật trong luật chung thì khi đó, quy định trong luật chuyên ngành sẽ được ưu tiên áp dụng.

Hai nguyên tắc (i) và (ii) cần được sử dụng một cách linh hoạt, phối hợp với nhau tránh trường hợp áp dụng độc lập sẽ gây ra mâu thuẫn.

Khi áp dụng hai nguyên tắc trên để giải quyết xung đột pháp luật trong trường hợp này, có thể thấy quy định về mức phạt vi phạm tại Luật Xây dựng và Luật Thương mại không trái với các nguyên tắc cơ bản tại BLDS. Do vậy các hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng và Luật Thương mại sẽ được ưu tiên áp dụng mức phạt vi phạm theo hai luật này.

1.2. Mức phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng

Với việc giải quyết xung đột pháp luật nêu trên, mức phạt vi phạm trong hợp đồng xây dựng sẽ được hiểu như sau:

    • Hợp đồng đối với công trình sử dụng vốn nhà nước

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 146 Luật Xây dựng, đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không được vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

    • Hợp đồng đối với công trình không sử dụng vốn nhà nước

Hiện nay, Luật Xây dựng không có quy định trực tiếp liên quan đến mức phạt vi phạm đối với hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn nhà nước. Tuy nhiên, do thông thường hợp đồng xây dựng cũng sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại (như đã nêu tại Mục I.3), mức phạt vi phạm tối đa đối với hợp đồng của công trình không sử dụng vốn nhà nước sẽ là 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (Điều 301 Luật Thương mại).

2. Bồi thường thiệt hại

2.1. Trường hợp bồi thường thiệt hại

Luật Xây dựng đã đặt ra một số trường hợp bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng xây dựng như sau:

  • Trường hợp bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu[1]:
    • Chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra;
    • Do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới gây thiệt hại cho người và tài sản trong thời hạn bảo hành.
  • Trường hợp Bên giao thầu phải bồi thường cho bên nhận thầu[2]:
    • Do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ, gặp rủi ro, điều phối máy, thiết bị, vật liệu và cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu;
    • Bên giao thầu cung cấp tài liệu, điều kiện cần thiết cho công việc không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng làm cho bên nhận thầu phải thi công lại, tạm dừng hoặc sửa đổi công việc;
    • Trường hợp trong hợp đồng xây dựng quy định bên giao thầu cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, các yêu cầu khác mà cung cấp không đúng thời gian và yêu cầu theo quy định;
    • Bên giao thầu chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Một số trường hợp khác liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng xây dựng
    • Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không phù hợp với quy định thì sau khi thực hiện nghĩa vụ hoặc áp dụng biện pháp sửa chữa còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu bên kia còn bị những thiệt hại khác, mức bồi thường thiệt hại phải tương đương với mức tổn thất của bên kia;
    • Trường hợp một bên vi phạm hợp đồng do nguyên nhân của bên thứ ba, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng trước bên kia. Tranh chấp giữa bên vi phạm với bên thứ ba được giải quyết theo quy định của pháp luật.

2.2. Mức bồi thường thiệt hại

Luật Xây dựng không quy định cụ thể về mức bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng xây dựng. Vì vậy, áp dụng theo cách phân tích đối với mức phạt vi phạm hợp đồng, mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng xây dựng có thể được điều chỉnh bởi BLDS hoặc Luật Thương mại.

  • Quy định trong BLDS
    • Điều 360 quy định: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
    • Khoản 2 Điều 419 quy định: “Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại”.
  • Quy định trong Luật Thương mại

Khoản 2 Điều 302 quy định: “Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.”

Căn cứ vào các quy định trên, cách tính mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng sẽ phụ thuộc vào giá trị thiệt hại thực tế, trực tiếp xảy ra đối với từng trường hợp cụ thể.

 

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

 

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

————————————————

[1] Khoản 4 Điều 146 Luật Xây dựng.

[2] Khoản 5 Điều 146 Luật Xây dựng.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.