Số 010922 – Danh mục các ngành, nghề cấm kinh doanh và danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện

Kính gửi Quý khách hàng,

 

Hiện nay, doanh nghiệp được phép tự do kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải bảo đảm việc đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động. Vì vậy, để việc đầu tư, kinh doanh hợp pháp, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cần quan tâm tới ngành nghề nào bị cấm kinh doanh cũng như có điều kiện. Trong Hướng dẫn pháp lý này, chúng tôi sẽ chỉ ra danh mục các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 của Quốc hội ngày 17 tháng 06 năm 2020 (“LĐT 2020”) và các văn bản pháp luật liên quan.

1. Danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Doanh nghiệp có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm[1]. Tuy nhiên, việc kinh doanh một số ngành, nghề phải cần đáp ứng điều kiện nhất định.

Điều 7.1 LĐT 2020 quy định: Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” Cũng tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật này, Chính phủ đã quy định Danh mục bao gồm 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Một số điều kiện điển hình của các ngành nghề này là điều kiện về vốn pháp định; năng lực cá nhân quản lý, điều hành, trực tiếp thực hiện hoạt động kinh doanh; các giấy phép, chứng chỉ theo đặc thù mỗi ngành, nghề; các điều kiện nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội hay sức khỏe của cộng đồng.

Nhìn chung, doanh nghiệp chỉ nên đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong trường hợp đó là ngành nghề bắt buộc hay ngành nghề chính mà doanh nghiệp phải lựa chọn trong hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp không nên đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với các hoạt động kinh doanh dự tính triển khai trong tương lai. Doanh nghiệp dù chưa triển khai hoạt động kinh doanh như đã dự tính, vẫn phải đáp ứng các điều kiện của ngành nghề nếu đã đăng ký. Trong trường hợp không đáp ứng được những điều kiện của ngành, nghề đã đăng ký, doanh nghiệp có thể phải chịu chế tài theo vào pháp luật về ngành, nghề đó.

2. Danh mục các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

Doanh nghiệp có quyền chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh, đầu tư…Tuy nhiên, quyền kinh doanh của doanh nghiệp giới hạn trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Việc quy định các ngành, nghề cấm kinh doanh đối với doanh nghiệp nhằm mục đích bảo vệ nền quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, giảm thiểu các tác nhân gây huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường.

Doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định của pháp luật về các ngành, nghề mà pháp luật cấm nhằm tránh hoạt động và kinh doanh trái pháp luật gây tổn hại tới lợi ích chung của cộng đồng. Cụ thể, 08 ngành, nghề cấm kinh doanh được quy định tại Điều 6.1 LĐT 2020 bao gồm:

a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của LĐT 2020;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của LĐT 2020;

c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của LĐT 2020;

d) Kinh doanh mại dâm;

e) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

f) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ;

h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngoài việc không được đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề bị cấm còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ vào hành vi và mức độ gây ra thiệt hại. Ví dụ, đối với hành vi kinh doanh dịch vụ đòi nợ, chế tài là xử phạt hành chính với hình thức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, đồng thời hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm[2]. Đối với hành vi kinh doanh pháo nổ, doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”[3], theo đó, mức phạt cao nhất đối với người có hành vi buôn bán pháo nổ là 15 năm tù, đặc biệt, doanh nghiệp vi phạm cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất là phạt tiền đến 9.000.000.000 đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

————————————————————————————————————————-

[1] Điều 7.1 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 của Quốc hội ngày 17 tháng 06 năm 2020.

[2] Điều 7.1, 7.2 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

[3] Điều 190.5 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Quốc hội ngày 27 tháng 11 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.