Số 011221 – Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Kính gửi Quý khách hàng,

Kể từ khi Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng có sự thay đổi. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết thực hiện thủ tục này theo quy định tại Luật Doanh nghiệp mới và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp tư nhân[1]:

1.  Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo Phụ lục I-1 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).

2.  Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

Đối với công ty hợp danh[2]:

1.  Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo Phụ lục I-5 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.

2.  Điều lệ công ty.

3.  Danh sách thành viên.

4.  Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.

5.  Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn (“CTTNHH”) và công ty cổ phần (“CTCP”)[3]: 

1.  Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp (theo các Phụ lục I-2, I-3, I-4 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.

2.  Điều lệ công ty.

3.  Danh sách thành viên/cổ đông.

4.  Bản sao các giấy tờ sau đây:

    • Giấy tờ pháp lý cá nhân của thành viên là cá nhân (đối với CTTNHH); cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân (đối với CTCP); và người đại diện theo pháp luật.
    • Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên/cổ đông là tổ chức; văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; và giấy tờ pháp lý của người đại diện theo uỷ quyền.

Đối với thành viên/cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự.

    • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Bước 1: Soạn thảo hồ sơ thành lập doanh nghiệp, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, thông tin cần thiết như đã nêu tại Mục “Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp” của Bản Hướng dẫn pháp lý này.

Bước 2Nộp hồ sơ xin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính[4] và nộp lệ phí, lệ phí liên quan.

Theo Biểu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp tại Thông tư 47/2019/TT-BTC, khi nộp hồ sơ, doanh nghiệp cần nộp đồng thời các khoản sau:

    • Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng/lần đối với trường hợp nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp[5].
    • Phí công bố thông tin doanh nghiệp: 100.000 đồng/lần.

Lưu ý:  Việc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Hà Nội phải được thực hiện qua mạng.

Bước 3: Xử lý hồ sơ[6].

Thời hạn xử lý hồ sơ: 3 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ hoặc tên doanh nghiệp yêu cầu đăng ký không đúng theo quy định, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo bằng văn bản về nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Bước 4: Nhận kết quả – Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Ngay khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cũng đồng thời được công bố thông tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

 

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

——————————————

[1] Theo Điều 19 Luật Doanh nghiệp 2020.

[2] Theo Điều 20 Luật Doanh nghiệp 2020.

[3] Theo Điều 21 và 22 Luật Doanh nghiệp 2020.

[4] Theo Điều 32.1 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp.

[5] Theo Điều 5.3 Thông tư 47/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

[6] Theo Điều 33 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.