Số 011223 – Thủ tục cấp và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Kính gửi Quý khách hàng,   

Để hiện diện thương mại bằng cách đầu tư qua hình thức thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (“GCN ĐKĐT”) cho dự án của họ tại Việt Nam. GCN ĐKĐT là một trong những tài liệu pháp lý quan trọng thể hiện quyền được thực hiện dự án của nhà đầu tư, trong đó ghi nhận các thông tin của dự án đầu tư, bao gồm mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án, v.v.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu quy trình, thủ tục cấp GCN ĐKĐT cho việc thành lập tổ chức kinh tế mới và quy trình, thủ tục điều chỉnh GCN ĐKĐT. 

GCN ĐKĐT là văn bản pháp lý quan trọng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dựa trên hồ sơ xin cấp phép của nhà đầu tư, ghi nhận việc nhà đầu tư thành lập dự án tại Việt Nam theo các quy định của pháp luật đầu tư hiện hành và thực hiện dự án đó dựa trên GCN ĐKĐT được cấp.

1. Các trường hợp xin cấp GCN ĐKĐT

Căn cứ theo quy định tại Điều 37 và Điều 23 của Luật Đầu tư 2020, khi đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp GCN ĐKĐT trong trường hợp

a)        Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài; 

b)       Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nếu tổ chức đó:

  • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh; hoặc
  • Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm (i) nêu trên nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
  • Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm (i) nêu trên nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp nêu trên mà không xin cấp GCN ĐKĐT sẽ phải chịu phạt hành chính theo quy định tại Khoản 3 và 4 Điều 19 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, bao gồm: phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng; và buộc thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT.

2. Nội dung GCN ĐKĐT

Căn cứ theo quy định tại Điều 3.11 của Luật Đầu tư 2020: “Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.”

Theo đó, GCN ĐKĐT ghi nhận những thông tin cơ bản về nội dung dự án đã được nhà đầu tư đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chấp thuận sau khi đánh giá, xem xét hồ sơ đăng ký của nhà đầu tư. Cụ thể, GCN ĐKĐT ghi nhận những thông tin sau:[1]

(i)       Tên dự án đầu tư.

(ii)       Nhà đầu tư.

(iii)      Mã số dự án đầu tư.

(iv)      Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng.

(v)      Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư.

(vii)    Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động).

(viii)   Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư.

(viii)   Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm: tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn; tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư.

(ix)     Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có).

(x)      Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).

Nhà đầu tư bắt buộc phải tuân thủ các nội dung được ghi nhận trong GCN ĐKĐT nêu trên khi thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ dựa trên những thông tin ghi nhận trong GCN ĐKĐT để kiểm tra, đánh giá về tính tuân thủ của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án.

3. Thủ tục cấp GCN ĐKĐT

3.1.     Cơ quan có thẩm quyền cấp GCN ĐKĐT

Tuỳ vào địa điểm thực hiện dự án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cấp GCN ĐKĐT (“Cơ quan đăng ký đầu tư”) sẽ được xác định như sau:[2]

a)       Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp GCN ĐKĐT đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp nêu tại điểm (c) dưới đây.

b)        Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp GCN ĐKĐT đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp nêu tại điểm (c) dưới đây.

c)        Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư cấp GCN ĐKĐT đối với dự án đầu tư sau:

  • Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
  • Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế (cùng lúc);
  • Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

3.2.     Thủ tục cấp GCN ĐKĐT

Theo Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư tư Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hay Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nếu dự án đầu tư ảnh hưởng lớn đến môi trường, sử dụng diện tích đất lớn, hoặc sử dụng nguồn vốn lớn, có ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Đối với các dự án đầu tư còn lại, nhà đầu tư chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký GCN ĐKĐT.       

3.2.1   Thủ tục cấp GCN ĐKĐT cho dự án không thuộc diện xin chấp thuận chủ trương đầu tư

a) Về trình tự thủ tục, để xin cấp GCN ĐKĐT, nhà đầu tư chuẩn bị và nộp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp GCN ĐKĐT cho Cơ quan đăng ký đầu tư. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ cấp GCN ĐKĐT. [3]

b) Bộ hồ sơ xin cấp GCN ĐKĐT bao gồm những tài liệu sau:[4]

STT

Tài liệu

Loại tài liệu

1 Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư theo mẫu A.I.1 đính kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHDT Bản gốc
2 Đề xuất dự án đầu tư theo mẫu A.I.4 đính kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHDT Bản gốc
3 Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư

– CCCD/ CMND/ Hộ chiếu đối với nhà đầu tư cá nhân; hoặc

– Giấy chứng nhận thành lập và hoạt động đối với nhà đầu tư là tổ chức

Bản sao chứng thực
4 Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư, gồm ít nhất một trong các tài liệu:

– Báo cáo tài chính đã kiểm toán 02 năm gần nhất của nhà đầu tư;

– Sao kê số dự tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư;

– Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.

– Bản hợp pháp hoá lãnh sự;

– Bản sao chứng thực; và

– Bản dịch công chứng.

5 Giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư, gồm một hoặc một vài tài liệu sau đối với tuỳ từng trường hợp:

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

– Hợp đồng thuê địa điểm thực hiện dự án;

– Giấy phép xây dựng của địa điểm thực hiện dự án;

– Giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu địa điểm.

Bản sao chứng thực
6 Văn bản giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ Bản gốc/ Bản sao chứng thực
7 Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có)
8 Văn bản uỷ quyền cho người thực hiện thủ tục (nếu có) Bản gốc

3.2.2. Thủ tục cấp GCN ĐKĐT với trường hợp thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư

Đối với trường hợp dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục cấp GCN ĐKĐT sẽ được thực hiện như sau:[5]

a)        Trường hợp dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư: Căn cứ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư cấp GCN ĐKĐT trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư

b)        Trường hợp dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đã trúng đấu giá, trúng thầu hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, đấu thầu:

(i)         Nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp GCN ĐKĐT theo mẫu A.I.6 đính kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHDT cho Cơ quan đăng ký đầu tư;

(ii)        Cơ quan đăng ký đầu tư cấp GCN ĐKĐT trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của nhà đầu tư.

c)        Trường hợp dự án không thuộc diện cấp GCN ĐKĐT:

(i)         Nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp GCN ĐKĐT theo mẫu A.I.6 đính kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHDT, và bản sao hợp lệ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và bản sao hợp lệ Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có) cho Cơ quan đăng ký đầu tư;

(ii)        Cơ quan đăng ký đầu tư cấp GCN ĐKĐT trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của nhà đầu tư.

4. Trường hợp điều chỉnh GCN ĐKĐT[6]

Trong trường hợp có bất kỳ sự thay đổi nào đối với một hoặc một số nội dung được ghi nhận trên GCN ĐKĐT đã nêu tại Mục 1, nhà đầu tư sẽ phải thực hiện thủ tục điều chỉnh GCN ĐKĐT.

Nếu nhà đầu tư không thực hiện thủ tục điều chỉnh GCN ĐKĐT trong trường hợp thay đổi nội dung GCN ĐKĐT, nhà đầu tư sẽ phải chịu phạt hành chính theo quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 17 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, bao gồm: phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; và buộc thực hiện thủ tục điều chỉnh GCN ĐKĐT.

5. Thủ tục điều chỉnh GCN ĐKĐT

5.1.     Cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh GCN ĐKĐT

Cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh GCN ĐKĐT là Cơ quan đăng ký đầu tư đã nêu tại Mục 3.1.

5.2.     Thủ tục điều chỉnh GCN ĐKĐT với trường hợp không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư:[7]

a)       Trường hợp thay đổi tên dự án đầu tư hoặc thay đổi tên nhà đầu tư:

Nhà đầu tư nộp 01 (một) bộ hồ sơ đăng ký điều chỉnh GCN ĐKĐT cho Cơ quan đăng ký đầu tư. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh GCN ĐKĐT, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh GCN ĐKĐT cho nhà đầu tư.

Bộ hồ sơ điều chỉnh GCN ĐKĐT trong trường hợp này bao gồm:

(i)        Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư; và

(ii)        Tài liệu liên quan đến việc thay đổi tên dự án đầu tư, tên nhà đầu tư.

b)        Trường hợp điều chỉnh các nội dung khác

Nhà đầu tư nộp 01 (một) bộ hồ sơ đăng ký điều chỉnh GCN ĐKĐT cho Cơ quan đăng ký đầu tư. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh GCN ĐKĐT, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh GCN ĐKĐT cho nhà đầu tư.

Bộ hồ sơ điều chỉnh GCN ĐKĐT trong trường hợp này bao gồm:

  • Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
  • Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh;
  • Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư đối với nhà đầu tư là tổ chức;
  • Giải trình hoặc cung cấp tài liệu liên quan đến việc điều chỉnh (nếu có).

5.3.     Thủ tục điều chỉnh GCN ĐKĐT với trường hợp thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư:[8]

Căn cứ Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh GCN ĐKĐT trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

——————————————————————————

[1] Điều 40 Luật Đầu tư 2020

[2] Điều 34 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[3] Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[4] Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020

[5] Điều 35 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[6] Điều 41.2 Luật Đầu tư 2020

[7] Điều 47 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

[8] Điều 35 Nghị định 31/2021/NĐ-CP

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.