Số 021223 – Thời hạn thực hiện dự án đầu tư

Kính gửi Quý khách hàng,

Thời hạn thực hiện dự án đầu tư là khoảng thời gian mà nhà đầu tư đăng ký, và trong hầu hết các trường hợp, được cơ quan nhà nước chấp thuận, để theo đó, dự án đó được hoạt động một cách chính thức. Hãy cùng tìm hiểu các quy định và lưu ý của chúng tôi về thời hạn hoạt động của các dự án đầu tư theo pháp luật Việt Nam trong bài viết dưới đây.

1. Khái niệm và phân loại dự án đầu tư

Khái niệm dự án đầu tư được quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, theo đó “Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.”

Về mặt hình thức, dự án đầu tư là một tập hồ sơ tài liệu trình bày một cách chi tiết, có hệ thống các hoạt động đầu tư kinh doanh và chi phí theo một kế hoạch với thời hạn và địa điểm xác định nhằm đạt được những kết quả và thực hiện được những mục tiêu nhất định. Về mặt quản lý, dự án đầu tư là một công cụ quản lý việc sử dụng vốn, vật tư, lao động để tạo ra các kết quả tài chính, kinh tế, xã hội trong một thời gian nhất định. Về mặt nội dung, dự án đầu tư là tổng thể các đề xuất bỏ vốn cho các hoạt động đầu tư kinh doanh sẽ được theo một kế hoạch chặt chẽ với thời hạn và địa điểm xác định.

Tại các khoản 5, 6, 7 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 dự án đầu tư được phân loại như sau:

(1)      Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang hoạt động bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường.

(2)      Dự án đầu tư mới là dự án đầu tư thực hiện lần đầu hoặc dự án đầu tư độc lập với dự án đầu tư đang hoạt động.

(3)      Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo là dự án đầu tư thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

2. Thời hạn và thời điểm bắt đầu tính thời hạn hoạt động của các dự án đầu tư

2.1. Thời hạn hoạt động của các dự án đầu tư

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 44 Luật Đầu tư 2020, thời hạn hoạt động của các dự án đầu tư được quy định như sau:

  • Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm.
  • Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm. Dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư có thể dài hơn nhưng không quá 70 năm.

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư được điều chỉnh tăng hoặc giảm thời hạn hoạt động của dự án đầu tư. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư sau khi điều chỉnh không được vượt quá thời hạn quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 44 Luật Đầu tư như trên.[1]

Ngoài ra, khi hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư mà nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì được xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư nhưng không quá thời hạn tối đa quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ các dự án đầu tư sau đây:

  • Dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên (các dự án sẽ chỉ được cấp phép một lần, sau khi thực hiện xong nhà đầu tư phải thanh lý dự án hoặc xem xét lập dự án mới);
  • Dự án đầu tư thuộc trường hợp nhà đầu tư phải chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam hoặc bên Việt Nam[2] (các dự án này thường là dự án bắt buộc chuyển giao như các dự án BOT về cơ sở hạ tầng, năng lượng, xử lý rác thải, v.v. Nhà đầu tư chuyển giao toàn bộ dự án cho nhà nước sau khi hết thời hạn đầu tư, kinh doanh). 

Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, với các dự án đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, thời hạn của dự án thông thường không quá 30 năm (có thể được gia hạn sau khi hết hạn). Với các dự án sản xuất có sử dụng đất tại khu công nghiệp, khu kinh tế, thời hạn đầu tư của dự án sẽ phụ thuộc phần lớn vào thời hạn sử dụng đất còn lại của khu công nghiệp và khu kinh tế đó nhưng thông thường là dưới 50 năm.

2.2. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn hoạt động của dự án đầu tư 

Theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, thời điểm bắt đầu tính thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được xác định như sau:

  • Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 44 Luật Đầu tư được tính từ ngày nhà đầu tư được cấp Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu.
  • Đối với dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì thời hạn hoạt động của dự án được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Trường hợp nhà đầu tư đã có quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm được bàn giao đất thì thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được tính từ ngày bàn giao đất trên thực địa.

Ngoài ra, trong trường hợp Bên Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi tắt là Bên Việt Nam) được bàn giao đất chậm để góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thì thời gian Bên Việt Nam được bàn giao đất chậm không tính vào thời hạn hoạt động của dự án có cam kết chuyển giao không bồi hoàn.[3]

3. Gia hạn thời hạn thực hiện dự án đầu tư

3.1. Điều kiện gia hạn thời hạn thực hiện dự án đầu tư

Trừ các trường hợp không được gia hạn thời hạn thực hiện dự án đầu tư (đã nêu ở mục 2.1), nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án đầu tư khi kết thúc thời hạn hoạt động được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét, quyết định gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đó nếu đáp ứng các điều kiện sau:

  • Phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có); phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình kế hoạch phát triển nhà ở (đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị);
  • Đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai (đối với trường hợp đề nghị gia hạn sử dụng đất).[4]

Trường hợp dự án đầu tư đáp ứng điều kiện (1) nêu trên nhưng không đáp ứng điều kiện (2), cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét gia hạn thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo từng năm cho đến khi có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện theo quy định của pháp luật về đất đai. Nhà đầu tư chỉ thực hiện thủ tục gia hạn thời hạn hoạt động của dự án cho năm đầu tiên gia hạn.

3.2. Thời gian gia hạn dự án đầu tư

Thời gian gia hạn hoạt động đối với dự án đầu tư được xem xét trên cơ sở mục tiêu, quy mô, địa điểm, yêu cầu hoạt động của dự án và không vượt quá thời hạn tối đa quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 44 Luật Đầu tư, cụ thể:

(1)       Không quá 50 năm đối với dự án đầu tư ngoài khu kinh tế.

(2)       Không quá 70 năm đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế và dự án đầu tư ngoài khu kinh tế nhưng thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc dự án đầu tư có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

——————————————————–

[1] Khoản 2 Điều 27 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư

[2] Khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư 2020

[3] Khoản 3 Điều 124 Nghị đinh số 31/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư

[4] Khoản 4 Điều 27 Nghị đinh số 31/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.