Số 030723 – Vốn góp thành lập công ty TNHH2TV

Kính gửi Quý khách hàng,     

Vốn trong công ty nói chung và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (“Công ty TNHH2TV”) nói riêng là một trong những vấn đề cơ bản nhất mà nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng ngay ở khâu chuẩn bị thành lập doanh nghiệp. Để có nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt là trong thời điểm mới thành lập, nhà đầu tư phải lựa chọn mức vốn góp, loại vốn góp phù hợp với quy mô, ngành nghề kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

Để hiểu rõ hơn về khái niệm, loại vốn góp, thời hạn góp vốn, thủ tục góp vốn và trách nhiệm góp vốn của thành viên Công ty TNHH2TV theo quy định của pháp luật, xin vui lòng tham khảo bài viết dưới đây của chúng tôi.

1. Khái niệm vốn điều lệ, phần vốn góp[1]

Theo quy định tại khoản 34, Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn…

Đồng thời, theo khoản 27 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020: “Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn,… Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn,…”

Dựa vào những quy định trên, có thể hiểu vốn điều lệ là tổng giá trị vốn góp của các thành viên công ty và được ghi nhận trong điều lệ của doanh nghiệp. Còn phần vốn góp phản ánh giá trị tài sản mà một thành viên đóng góp hay sở hữu trong doanh nghiệp đó.

2. Loại tài sản góp vốn và định giá tài sản góp vốn

Trong mọi trường hợp, tài sản góp vốn phải là tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp của thành viên góp vốn. Các loại tài sản góp vốn mà thành viên công ty TNHH2TV có thể sử dụng để góp vào công ty bao gồm:[2]

(i)         Đồng Việt Nam;

(ii)        Ngoại tệ tự do chuyển đổi;

(iii)       Vàng;

(iv)       Quyền sử dụng đất;

(v)        Quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật;

(vi)       Tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Đối với trường hợp tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng thì tài sản góp vốn phải được định giá bởi các thành viên hoặc tổ chức thẩm định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam. Tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, việc định giá tài sản góp vốn sẽ được thực hiện như sau:

(i)         Định giá do các thành viên thực hiện: Tài sản góp vốn sẽ được định giá theo nguyên tắc đồng thuận;

(ii)        Định giá do tổ chức thẩm định giá thực hiện: Tài sản góp vốn sẽ được tổ chức thẩm định giá được cấp phép tiến hành định giá và giá trị tài sản góp vốn sau khi được định giá phải được trên 50% số thành viên chấp thuận.

Nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Trên thực tế, hiện nay việc định giá đối với một số loại tài sản như tài sản sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật hay các loại tài sản vô hình khác tại Việt Nam rất khó để có thể thực hiện một cách chính xác, kể cả đối với các tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp do phương pháp thẩm định giá đối với loại tài sản này còn chưa thực sự phù hợp và các quy định pháp luật về định giá có liên quan vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, các loại tài sản vô hình thường ít khi được sử dụng để làm tài sản góp vốn, và các thành viên thường lựa chọn góp vốn bằng tiền hoặc các loại tài sản có thể dễ dàng định giá.

3. Thủ tục và thời hạn góp vốn

Về thủ tục góp vốn, các thành viên phải chuyển quyền sở hữu của tài sản góp vốn sang cho công ty và việc góp vốn chỉ được xem là hoàn thành sau khi tài sản góp vốn đã được chuyển quyền sở hữu sang cho công ty, cụ thể:[3]

(i) Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì thành viên phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật;

(ii) Đối với tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng.

Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.

Về thời hạn góp vốn, các thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản trong thời hạn góp vốn đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng không được vượt quá 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (“GCN ĐKDN”). Thời hạn góp vốn nêu trên không bao gồm thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản (Ví dụ như trường hợp thành viên góp vốn bằng quyền sử dụng đất, thời gian thực hiện thủ tục đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ không tính vào thời hạn góp vốn).

Ngoài ra, thành viên công ty chỉ thay đổi loại tài sản góp vốn nếu được sự đồng ý của trên 50% số thành viên còn lại.

Lưu ý: Trong thời hạn kể từ khi công ty được cấp GCN ĐKDN cho tới khi thành viên góp đủ vốn, thành viên vẫn có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết.

4. Trách nhiệm khi không góp hoặc không góp đủ số vốn cam kết

Nếu công ty có thành viên chưa góp đủ số vốn khi hết thời hạn góp vốn, công ty sẽ phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ trong vòng 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn góp vốn đã nêu tại Mục 3.

Nếu công ty có thành viên chưa góp bất kỳ phần vốn nào khi hết thời hạn góp vốn, thành viên chưa góp vốn đó sẽ bị mất tư cách thành viên công ty. Khi đó, ngoài thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ như trường hợp nêu trên, công ty sẽ phải thực hiện thủ tục thay đổi thành viên công ty. Đồng thời, trường hợp công ty không còn đủ số lượng thành viên theo quy định (từ hai thành viên trở lên) thì công ty sẽ phải chuyển đổi loại hình thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, và nếu công ty không đáp ứng đủ số lượng thành viên trong thời hạn 06 tháng liên tiếp nhưng không thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình thì sẽ phải tiến hành giải thể doanh nghiệp[4].

Cần lưu ý rằng thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên.

Ngoài ra, trong trường hợp thành viên không góp hoặc không góp đủ số vốn cam kết nhưng công ty không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên không góp đủ vốn thì công ty sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng[5].

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Hướng dẫn pháp lý này tại đây.

——————————————

[1] Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung bàn về vốn điều lệ, phần vốn góp trong Công ty TNHH2TV. Do vậy, nhưng thuật ngữ chỉ “Công ty” hay “doanh nghiệp” sẽ được dùng để đề cập đến Công ty TNHH2TV.

[2] Điều 34 Luật doanh nghiệp 2020

[3] Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020

[4] Điểm c, Khoản 1, Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020.

[5] Khoản 3, Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.