Bản tin pháp lý số tháng 7/2023 – Những điểm mới của Nghị định 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01 tháng 07 năm 2023 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm

Kính gửi Quý khách hàng,

Ngày 01/07/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2023/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (“Nghị định 46”). Trong đó, quy định một số vấn đề như điều kiện về tài chính để được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, điều kiện về vốn, trách nhiệm của Bộ Tài chính…Nghị định 46 chính thức có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trong Bản tin pháp lý số này, những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 46 sẽ được chúng tôi tổng hợp và làm rõ.

1. Nghiệp vụ bảo hiểm

Đây là một trong những điểm mới của Nghị định 46 lần này. Theo đó, Nghị định 46 đã bổ sung bảo hiểm bảo lãnh trở thành một trong những nghiệp vụ của bảo hiểm phi nhân thọ[1]. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 1.3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe bao gồm các loại nghiệp vụ như sau:

(i)      Bảo hiểm tai nạn con người;

(ii)     Bảo hiểm y tế;

(iii)    Bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ.

Tuy nhiên tại Điều 5 Nghị định 46, bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đã được thay thế bằng bảo hiểm sức khỏe, thân thể. 

2. Bổ sung điều kiện đối với một số chức danh quản lý  

Nghị định 46 đã bổ sung thêm điều kiện, tiêu chuẩn của các chức danh Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ, Trưởng bộ phận quản trị rủi ro, Trưởng bộ phận kiểm soát tuân thủ. Cụ thể:

(a) Điều kiện, tiêu chuẩn đối với Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ[2]

(i)    Các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 81.1 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 của Quốc hội ngày 16 tháng 6 năm 2022 (“Luật KDBH 2022”).

(ii)   Có tối thiểu 03 năm trực tiếp làm việc trong một hoặc các lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán.

Ngoài ra, sau 01 năm kể từ ngày Nghị định 46 có hiệu lực, Trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ sẽ còn cần phải có bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán và có chứng chỉ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong hoặc ngoài nước cấp.

(b) Điều kiện, tiêu chuẩn đối với Trưởng bộ phận quản trị rủi ro, Trưởng bộ phận kiểm soát tuân thủ[3]

Bên cạnh các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 81.1 Luật KDBH 2022, bắt đầu sau 01 năm kể từ ngày Nghị định 46 có hiệu lực, để trở thành Trưởng bộ phận quản trị rủi ro, Trưởng bộ phận kiểm soát tuân thủ sẽ cần phải đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:

(i)    Trưởng bộ phận quản trị rủi ro phải có bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành quản trị rủi ro hoặc tính toán bảo hiểm. Trường hợp không có bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành quản trị rủi ro hoặc tính toán bảo hiểm thì phải có bằng từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành bảo hiểm, kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán và có chứng chỉ đào tạo về quản trị rủi ro hoặc tính toán bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập hợp pháp trong và ngoài nước cấp.

(ii)   Trưởng bộ phận kiểm soát tuân thủ phải có bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có bằng từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán và có chứng chỉ bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong hoặc ngoài nước cấp.

(iii)  Có tối thiểu 03 năm làm việc trực tiếp trong một hoặc các lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng.

3. Đăng ký sản phẩm bảo hiểm

Theo quy định tại Điều 40 Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (“Nghị định 73”), doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải tiến hành đăng ký sản phẩm bảo hiểm đối với Bộ Tài chính. Tại đây, để có thể được phê chuẩn, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam bắt buộc phải trình Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm dự kiến triển khai.

Còn quy định tại Điều 32.1 Nghị định 46, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đăng ký và được Bộ Tài chính chấp thuận phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới trước khi triển khai. Sau đó, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam sẽ chủ động xây dựng Quy tắc, điều khoản sản phẩm phù hợp với từng thời điểm và không cần phải phê duyệt từ cơ quan quản lý.

4. Vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm

Nghị định 46 đã nâng mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, cụ thể như sau:

STT Hoạt động kinh doanh Nghị định 73

(Điều 10)

Nghị định 46

(Điều 35 và Điều 81)

1. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
1.1.         Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí) và bảo hiểm sức khỏe 600 tỷ đồng Việt Nam 750 tỷ đồng Việt Nam
1.2. Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại mục 1.1 và bảo hiểm liên kết đơn vị hoặc bảo hiểm hưu trí 800 tỷ đồng Việt Nam 1.000 tỷ đồng Việt Nam
1.3. Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại mục 1.1, bảo hiểm liên kết đơn vị và bảo hiểm hưu trí 1.000 tỷ đồng Việt Nam 1.300 tỷ đồng Việt Nam
2.  Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
2.1. Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ bảo hiểm hàng không, bảo hiểm vệ tinh) và bảo hiểm sức khỏe 300 tỷ đồng Việt Nam 400 tỷ đồng Việt Nam
2.2. Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại mục 2.1 và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh 350 tỷ đồng Việt Nam 450 tỷ đồng Việt Nam
2.3. Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại mục 2.1, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh 400 tỷ đồng Việt Nam 500 tỷ đồng Việt Nam
3. Doanh nghiệp bảo hiểm sức khoẻ 300 tỷ đồng Việt Nam >= 400 tỷ đồng Việt Nam
4. Doanh nghiệp tái bảo hiểm
4.1. Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe 400 tỷ đồng Việt Nam >= 500 tỷ đồng Việt Nam
4.2. Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe 700 tỷ đồng Việt Nam >= 900 tỷ đồng Việt Nam
4.3. Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe 1.100 tỷ đồng Việt Nam >= 1.400 tỷ đồng Việt Nam
5. Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài
5.1. Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại Hạng mục 5.2 và 5.3 dưới đây) và bảo hiểm sức khỏe 200 tỷ đồng Việt Nam 250 tỷ đồng Việt Nam
5.2. Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Hạng mục 5.1 nêu trên và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh 250 tỷ đồng Việt Nam 300 tỷ đồng Việt Nam
5.3. Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Hạng mục 5.1 nêu trên, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh 300 tỷ đồng Việt Nam 400 tỷ đồng Việt Nam
6. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
6.1. Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm 4 tỷ đồng Việt Nam 05 tỷ đồng Việt Nam
6.2. Kinh doanh môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm 8 tỷ đồng Việt Nam 10  tỷ đồng Việt Nam

Bên cạnh đó, Nghị định 46 còn bổ sung thêm quy định về mức vốn được cấp tối thiểu đối với chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài như sau[4]:

STT Hoạt động kinh doanh Mức vốn tối thiểu
1. Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài
1.1. Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các trường hợp quy định tại Hạng mục 1.2 và 1.3 dưới đây) và bảo hiểm sức khỏe 250 tỷ đồng Việt Nam
1.2. Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Hạng mục 1.1 và bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh 300 tỷ đồng Việt Nam
1.3. Kinh doanh bảo hiểm theo quy định tại Hạng mục 1.1, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh 400 tỷ đồng Việt Nam
2.   Chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài
2.1. Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm phi nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe 400 tỷ đồng Việt Nam
2.2. Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm nhân thọ hoặc cả hai loại hình tái bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe 450 tỷ đồng Việt Nam
2.3. Kinh doanh tái bảo hiểm, nhận nhượng tái bảo hiểm cả 03 loại hình tái bảo hiểm nhân thọ, tái bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm sức khỏe 700 tỷ đồng Việt Nam

Đồng thời, tại đây Nghị định 46 cũng đưa ra lộ trình và thời hạn để các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm nêu trên hoàn thành việc bổ sung vốn điều lệ/vốn tự cấp theo quy định mới như sau:

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày Nghị định 46 có hiệu lực có số vốn điều lệ thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định[5]: trước ngày 01/01/2028 phải hoàn thành việc bổ sung đủ vốn điều lệ và ký quỹ theo quy định.

Đối với các chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập, tổ chức và hoạt động trước ngày Nghị định 46 có hiệu lực có số vốn được cấp thấp hơn mức vốn được cấp tối thiểu theo quy định[6]: trước ngày 01/01/2028 phải hoàn thành việc bổ sung đủ vốn được cấp và ký quỹ theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thành lập trước ngày Nghị định 46 có hiệu lực có số vốn điều lệ thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định[7]: trước ngày 01/01/2028 phải hoàn thành việc bổ sung đủ vốn điều lệ đáp ứng theo quy định.

5. Chi phí kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm

Chi phí kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm là số tiền phải chi, phải trích phát sinh trong kỳ sau khi đã trừ các khoản phải thu để giảm chi phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định 46 đã đưa ra quy định mới về việc chi hoa hồng đại lý bảo hiểm, chi thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm trong số tiền phải chi, phải trích phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam so với Nghị định 73.

Theo đó, tại Điều 50.3 Nghị đinh 46 quy định, việc chi hoa hồng đại lý bảo hiểm, chi thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và quyền lợi khác trong hợp đồng đại lý bảo hiểm không vượt quá mức tối đa theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Đồng thời kể từ ngày 01/07/2023, các khoản chi này phải từ hoạt động đại lý bảo hiểm và được nêu rõ trong hợp đồng đại lý bảo hiểm, có tiêu chí định lượng cụ thể gắn với kết quả, thành tích về khai thác, duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe trên 01 năm, chất lượng hoạt động đại lý bảo hiểm. Ngoài ra, các khoản chi thưởng, hỗ trợ đại lý bảo hiểm và quyền lợi khác phải được nêu rõ trong chính sách khen thưởng, hỗ trợ đại lý, quy chế tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

6. Điều kiện của các tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm

Trước đây, theo quy định tại Điều 83.1 Nghị định 73, tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải có đủ điều kiện hoạt động đại lý theo quy định tại Điều 86 Luật KDBH 2000 và phải ký hợp đồng đại lý bảo hiểm theo quy định tại Điều 87 Luật KDBH 2000. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm thi hành, pháp luật kinh doanh bảo hiểm bộc lộ rõ những bấp cập, khó khăn trong hoạt động đại lý bảo hiểm. Chính vì vậy, mới đây Nghị định 46 đã đưa ra nhiều yêu cầu cũng như điều kiện nhằm quy định chặt chẽ hơn đối với các tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm.

Bên cạnh các điều kiện chung được quy định tại Điều 125.2 Luật KDBH 2022, các tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm còn cần phải đáp ứng thêm các điều kiện sau:

(a) Đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài[8]

(i)      Phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm;

(ii)     Người đứng đầu bộ phận chuyên trách thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm. Trường hợp không có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì phải có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính;

(iii)     Tại mỗi chi nhánh của tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 3 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý. Tại mỗi phòng giao dịch của tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo tối thiểu 1 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý;

(iv)      Có hệ thống công nghệ thông tin phù hợp, bảo đảm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm khai thác qua tổ chức đại lý;

(v)      Có quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng việc thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên trong tổ chức đại lý.

(vi)      Tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thiết lập một quầy giao dịch riêng (hoặc bàn giao dịch riêng) để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

(b) Đối với các tổ chức khác hoạt động đại lý bảo hiểm[9]

(i)      Tổ chức phải có tối thiểu 3 nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm;

(ii)      Có quy trình giám sát việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật KDBH 2022 đối với các nhân viên trong tổ chức thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.

Đối với các tổ chức đang thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện nêu trên trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Nghị định 46 có hiệu lực.

Ngoài ra, trong suốt quá trình hoạt động, các tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải duy trì và tuân thủ các điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Trường hợp không đáp ứng một trong các điều kiện thì tổ chức đó không được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Sau 6 tháng kể từ ngày thông báo mà tổ chức đó vẫn không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải chấm dứt hợp đồng đại lý bảo hiểm[10].

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.

——————————————–

[1] Điều 4 Nghị định 46.

[2] Điều 27 Nghị định 46.

[3] Điều 28 Nghị định 46.

[4] Điều 36 Nghị định 46.

[5] Điều 35.5 Nghị định 46.

[6] Điều 36.3 Nghị định 46.

[7] Điều 81.4 Nghị định 46.

[8] Điều 62.1 Nghị định 46.

[9] Điều 62.2 Nghị định 46.

[10] Điều 62.3 Nghị định 46.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.