Bản tin pháp lý số tháng 7 năm 2024 – Nghị định số 55/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Kính gửi Quý khách hàng,

Ngày 16 tháng 05 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP (“Nghị định 55”) quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thay thế cho Nghị định số 99/2011/NĐ-CP ngày 27/10/2011 của Chính phủ (“Nghị định 99”). Nghị định 55 là văn bản pháp lý quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan qua đó tạo lập khuôn khổ pháp lý về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng (“NTD”). Nghị định 55 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2024.

Chính vì vậy, trong Bản tin pháp lý số này, chúng tôi sẽ tổng hợp và làm rõ các điểm mới tại Nghị định 55 mà các nhà đầu tư cần quan tâm .

1. Yêu cầu đối với hợp đồng giao kết với NTD, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

Nếu như trước đây, Nghị định 99 chỉ đặt ra yêu cầu chung đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với hai nhóm yêu cầu cơ bản là: (i) ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Việt, nội dung phải rõ ràng, dễ hiểu; cỡ chữ ít nhất là 12 và (ii) nền giấy và màu mực thể hiện nội dung hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải tương phản nhau[1].

So với quy định này, hiện nay bên cạnh hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, Nghị định 55 đã mở rộng phạm vi yêu cầu chung đối với tất cả hợp đồng giao kết với NTD cùng nhiều yêu cầu mới. Theo đó, các yêu cầu này được cụ thể hóa hơn từ về ngôn ngữ, hình thức đến nội dung, đồng thời cũng linh hoạt hơn nhằm phù hợp với đặc thù của các văn bản điện tử so với văn bản in truyền thống. Cụ thể, Điều 6 Nghị định 55 đặt ra các yêu cầu đối với hợp đồng giao kết với NTD, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung như sau:

  • Ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt và có thể thỏa thuận sử dụng thêm tiếng khác theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 ngày 20 tháng 6 năm 2023 (“Luật BVQLNTD 2023”);
  • Trong trường hợp giao kết bằng văn bản giấy, cỡ chữ nhỏ nhất là 12 theo loại chữ Times New Roman hoặc kích cỡ tương đương;
  • Màu chữ và màu nền thể hiện nội dung văn bản phải tương phản nhau;
  • Bố cục, thiết kế văn bản phải rõ ràng, dễ theo dõi;
  • Nội dung phải rõ ràng, dễ hiểu và phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.

Bên cạnh đó, Nghị định 55 cũng bổ sung thêm trách nhiệm hoàn thành đăng ký trước cả khi NTD thanh toán trước hoặc thực hiện các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[2], cụ thể:

  • Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chỉ được sử dụng để giao kết hoặc áp dụng đối với NTD khi việc đăng ký được hoàn thành theo quy định tại Điều 12.1 của Nghị định 55.
  • Trong trường hợp NTD thanh toán trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung hoặc thực hiện việc đặt cọc, ký quỹ, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác liên quan đến việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành việc đăng ký và công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung để NTD biết về nội dung của các văn bản này theo quy định trước khi thực hiện việc thanh toán hoặc các biện pháp nêu trên.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 12.2 và Điều 7.3 Nghị định 55, sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm công bố công khai thông báo hoàn thành đăng ký và bản hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã hoàn thành đăng ký theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên cổng thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) trong toàn bộ thời gian áp dụng bản hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đó. Đồng thời, trước ngày 31 tháng 01 hằng năm, tổ chức, cá nhân kinh doanh có hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký do Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình đăng ký và áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tới cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 55.

Đối với việc hủy bỏ, sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi NTD có thể tự mình hoặc theo đề nghị của NTD hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hủy bỏ hoặc sửa đổi toàn bộ hoặc một phần hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bất cứ lúc nào phát hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD trong việc báo cáo, cung cấp thông tin, giải trình làm rõ các nội dung trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD, trừ trường hợp phức tạp thì được gia hạn thêm tối đa 90 ngày theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm nêu trên, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải công khai hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên cổng thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) và phải thông báo cho NTD đã giao kết hợp đồng để áp dụng điều kiện giao dịch chung mới và giao kết lại hợp đồng theo mẫu trong trường hợp NTD có yêu cầu[3].

2. Công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo NTD trong giao dịch trên không gian mạng

Nghị định 55 bổ sung thêm quy định mới về việc công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo NTD trong giao dịch trên không gian mạng[4]. Theo đó, danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD sẽ được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Nội dung công bố công khai bao gồm các nội dung sau:

  • Tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD;
  • Hành vi, địa bàn vi phạm;
  • Cơ quan ban hành, số, ngày, tháng, năm quyết định xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.

Thời hạn công bố tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm là 30 ngày kể từ ngày công bố. Hết thời hạn nêu trên, cơ quan đăng tải thông tin sẽ dừng hoặc gỡ bỏ thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD.

3. Biện pháp xử lý đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 55, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước NTD và pháp luật về việc chậm trễ thực hiện việc ngừng cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường.

Sau khi tiến hành thực hiện các biện pháp cần thiết để ngừng việc cung cấp sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật trên thị trường, trong thời hạn 03 ngày làm việc đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thuộc nhóm A (là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của NTD) hoặc 05 ngày làm việc đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thuộc nhóm B (là sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của NTD) kể từ thời điểm phát hiện ra sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu thu hồi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tiến hành các trách nhiệm công khai và thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó theo quy định tại Điều 33.2(b) và Điều 33.2(c) Luật BVQLNTD 2023. Trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn tiến hành các trách nhiệm công khai, thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó thì tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện việc công khai, thông báo công khai về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đó theo thời hạn quy định của pháp luật khác[5].

Trước khi tiến hành và trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ thời điểm kết thúc việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu báo cáo của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD và cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải gửi báo cáo lần lượt theo mẫu số 8 và mẫu số 9 kèm theo Nghị định 55 đến cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD và cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Ngoài ra, trong trường hợp việc thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật được tiến hành trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải gửi báo cáo việc thu hồi cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc Bộ Công Thương và cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan ở Trung ương để kiểm tra, theo dõi; đồng thời cho cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD cấp tỉnh và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nơi thực hiện thu hồi để các cơ quan này phối hợp kiểm tra, theo dõi việc thu hồi tại địa phương[6].

4. Quy trình đổi, trả sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ giao dịch từ xa  

Đây là quy định mới tại Điều 22 Nghị định 55 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa. Theo đó, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về quy trình xử lý việc đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các thông tin sau:

  • Thời hạn cụ thể cho phép NTD được thực hiện đổi, trả;
  • Các bước và thời hạn thực hiện từng bước trong quy trình;
  • Thông tin liên hệ của bộ phận có trách nhiệm xử lý trong trường hợp NTD phản ánh, khiếu nại về việc thực hiện quy trình này.

Trường hợp tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về quy trình tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của NTD thì phải có các thông tin sau:

  • Phương thức tiếp nhận phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của NTD;
  • Các bước và thời hạn thực hiện từng bước trong quy trình;
  • Các trường hợp được ưu tiên tiếp nhận, giải quyết;
  • Hướng dẫn về thông tin, tài liệu cần cung cấp để phục vụ quá trình tiếp nhận, giải quyết (nếu có).

 

5. Trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn

Nghị định 55 đã đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định nền tảng số lớn được quy định tại Luật BVQLNTD 2023. Theo đó, nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử được thiết lập, vận hành để phục vụ hoạt động kinh doanh trên không gian mạng sẽ được xem là nền tảng số lớn nếu đáp ứng một trong các tiêu chí sau[7]:

  • Có từ 03 triệu tài khoản người sử dụng hoạt động hằng năm tại Việt Nam trở lên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; hoặc
  • Là nền tảng số trung gian quy mô lớn, rất lớn phục vụ giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Theo quy định tại Điều 23 Nghị định 55, tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn có trách nhiệm:

  • Công bố công khai tiêu chí xác định ưu tiên hiển thị sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nếu nền tảng số có chức năng tìm kiếm. Trường hợp nội dung hiển thị là nội dung có thu phí hoặc được tài trợ thì phải công khai tại kết quả tìm kiếm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Việc xây dựng và công bố áp dụng các tiêu chí để xác định việc ưu tiên hiển thị sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ khi sử dụng chức năng tìm kiếm phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan;
  • Duy trì tài khoản báo cáo trực tuyến và cung cấp các thông tin, dữ liệu dưới đây, cập nhật đến thời điểm được yêu cầu báo cáo để phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; và
  • Cung cấp thông tin, dữ liệu được nêu tại mục (ii), bằng hình thức trực tuyến đến cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD thuộc Bộ Công Thương trong thời hạn là 05 ngày làm việc kể từ ngày được yêu cầu báo cáo và chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính chính xác, toàn vẹn của thông tin, dữ liệu được cung cấp và tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD của thông tin, dữ liệu.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.


[1] Điều 7 Nghị định 99.

[2] Điều 7.2 Nghị định 55.

[3] Điều 15 Nghị định 55.

[4] Điều 24 Nghị định 55.

[5] Điều 18 Nghị định 55.

[6] Điều 19 Nghị định 55.

[7] Điều 2.2 Nghị định 55.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.