BẢN TIN PHÁP LÝ SỐ THÁNG 11/2022 – NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ QUY ĐỊNH PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP RIÊNG LẺ

Kính gửi Quý khách hàng,

Ngày 16/09/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP (“Nghị Định 65”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP (“Nghị định 153”) ban hành ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định 65 có hiệu lực ngày 16/09/2022 và đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung đáng chú ý về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Trong Bản tin pháp lý này, những điểm bổ sung, sửa đổi mới đáng chú ý về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo Nghị định 65 sẽ được chúng tôi tổng hợp và làm rõ.

1. Mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Trước đây theo Nghị định 153, “tăng quy mô vốn hoạt động” được quy định là một trong các mục đích phát hành trái phiếu[1] nhưng hiện nay nội dung này đã được sửa đổi theo quy định tại Điều 1.2 Nghị định 65, cụ thể như sau[2]:

Mục đích phát hành trái phiếu là để: (i) thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, (ii) cơ cấu lại nợ của chính doanh nghiệp hoặc (iii) mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.…”

2. Nguyên tắc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Ngoài việc sửa đổi về mục đích phát hành trái phiếu đã đề cập tại Mục 1 trên, Nghị định 65 cũng đã có sự bổ sung thêm hai (02) điều khoản về nguyên tắc phát hành trái phiếu doanh nghiệp như sau[3]:

(i) Bổ sung quy định về trái phiếu đã phát hành tại thị trường trong nước, doanh nghiệp chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu quy định tại Điều 6 Nghị định 153 khi đáp ứng các quy định sau:

  • Được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua; và
  • Được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận

(ii) Bổ sung quy định về thông tin về việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 22 Nghị định 153 về công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp.

3. Mệnh giá trái phiếu

Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý bởi lẽ tại Nghị định 153, mệnh giá của trái phiếu, cụ thể là trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước được quy định là một trăm nghìn (100.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng Việt Nam[4].

Tuy nhiên Nghị định 65 đã sửa đổi mệnh giá loại trái phiếu này tại Điều 1.4 như sau: “Trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, mệnh giá là một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam”.

Có thể thấy Nghị định 65 đã quy định mệnh giá trái phiếu chào bán trong nước tăng một nghìn (1.000) lần so với trước và việc sửa đổi này xuất phát từ thực tế vừa qua khi thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, dẫn đến nhiều sự xáo trộn, sai phạm phát sinh, gây ảnh hưởng tới nhà đầu tư. Do đó, quy định này nhằm hạn chế các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thúc đẩy hoạt động của nhà đầu tư chuyên nghiệp, góp phần giảm thiểu hoạt động đầu cơ cũng như giữ gìn môi trường đầu tư minh bạch.

4. Mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu

Nghị định 153 trước đây chỉ quy định về quyền được mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu của doanh nghiệp và chủ thể có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận phương án mua lại trước, hoán đổi trái phiếu của doanh nghiệp[5].

Tuy nhiên Nghị định 65 đã sửa đổi, bổ sung thêm quy định về các trường hợp mua lại trái phiếu như sau[6]:

Thứ nhất, mua lại trước hạn theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp phát hành và người sở hữu trái phiếu. Quy định này thực chất không hẳn là mới bởi trước đây trường hợp này đã được quy định tại Điều 7.1 Nghị định 153. Nghị định 65 đã tách nội dung này quy định sang một điều khoản riêng biệt tại Điều 7.

Thứ hai, bắt buộc mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư khi:

(i) Doanh nghiệp phát hành vi phạm pháp luật về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận;

(ii) Doanh nghiệp phát hành vi phạm phương án phát hành trái phiếu mà vi phạm đó không thể khắc phục hoặc biện pháp khắc phục không được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận;

(iii) Các trường hợp khác được nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu quy định tại Điều 13 Nghị định 153 (nếu có).

Cần lưu ý rằng các trường hợp bắt buộc mua lại trái phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư sẽ không áp dụng đối với trường hợp trái phiếu bị thu hồi theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

5. Thời gian phân phối, chào bán, thời hạn công bố thông tin

Nghị định 65 cũng đã sửa đổi một số quy định về thời hạn công bố thông tin cũng như thời gian phân bố, chào bán trái phiếu theo hướng rút ngắn các mốc thời gian, cụ thể như sau:

Về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán[7], mốc thời hạn đã được rút ngắn thành không vượt quá 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán. Ngoài ra, tổng thời gian chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tối đa không quá 06 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên[8].

Về thời gian hoàn thành việc phân phối trái phiếu kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán[9], doanh nghiệp phải hoàn thành việc phân phối trái phiếu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu[10].

Lưu ý rằng thời hạn này áp dụng đối với việc chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty đại chúng và công ty không phải là công ty đại chúng; chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của công ty không phải là công ty đại chúng (không bao gồm công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán).

Về thời hạn công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu của doanh nghiệp (trước ngày phát hành trái phiếu)[11], Nghị định 65 đã sửa đổi thời hạn thành chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu, doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin trước đợt chào bán cho các nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán[12].

Về thời hạn công bố thông tin về kết quả chào bán trái phiếu[13] (kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu), thời hạn đã được rút ngắn là chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin về kết quả của đợt chào bán cho các nhà đầu tư sở hữu trái phiếu và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán. Nội dung công bố thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Nghị định 65 cũng bổ sung thời hạn công bố thông tin trong trường hợp chào bán không thành công hoặc hủy là chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc phân phối trái phiếu, doanh nghiệp công bố thông tin và gửi nội dung công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán[14].

Về việc công bố thông tin bất thường của doanh nghiệp, Nghị định 65 không sửa đổi về thời hạn công bố thông tin mà bổ sung thêm một số trường hợp doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường cho nhà đầu tư như sau[15]:

(i) Thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã phát hành, thay đổi đại diện người sở hữu trái phiếu;

(ii) Phải thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc;

(iii) Khi nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị xử lý vi phạm pháp luật theo quy định.

6. Trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Ngoài năm (05) điều khoản được quy định tại Điều 34 Nghị định 153 về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Nghị định 65 đã bổ sung thêm hai điều khoản như sau[16]:

(i) Có trách nhiệm giải thích cho nhà đầu tư các thông tin liên quan đến phương án phát hành, các rủi ro pháp lý, rủi ro đầu tư, rủi ro sử dụng vốn, quyền, lợi ích, trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp phát hành và của nhà đầu tư;

(ii) Doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc theo quy định về trường hợp bắt buộc mua lại trái phiếu trước hạn.

7. Đại diện người sở hữu trái phiếu

Nhằm mục đích tăng cường việc giám sát mục đích sử dụng vốn và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành, Nghị định 65 đã bổ sung quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu tại Điều 1.11.

Đại diện người sở hữu trái phiếu là một thuật ngữ được quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (“Nghị định 155) và được định nghĩa là thành viên lưu ký của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được chỉ định hoặc được lựa chọn đại diện cho quyền lợi của người sở hữu trái phiếu[17].

Đại diện người sở hữu trái phiếu được quy định các quyền và nghĩa vụ sau[18]:

(i) Đại diện người sở hữu trái phiếu phải ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với doanh nghiệp phát hành, trong đó nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm của mỗi bên;

(ii) Khi cung cấp dịch vụ, đại diện người sở hữu trái phiếu có trách nhiệm tuân thủ quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu tại Nghị định 155;

(iii) Đại diện người sở hữu trái phiếu được thay đổi khi được số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành trở lên chấp thuận. Trường hợp thay đổi các điều khoản khác tại hợp đồng đại diện người sở hữu trái phiếu, việc thay đổi phải đồng thời được cấp có thẩm quyền của doanh nghiệp phát hành thông qua.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.

———————————–

[1] Điều 5.2 Nghị định 153.

[2] Điều 1.2 Nghị định 65.

[3] Điều 1.3 Nghị định 65.

[4] Điều 6.4(a) Nghị định 153.

[5] Điều 7 Nghị định 153.

[6] Điều 1.5 Nghị định 65.

[7] Theo Điều 10.2 Nghị định 153, thời phân phân phối trước đây là không vượt quá 90 ngày.

[8] Điều 1.7 Nghị định 65.

[9] Theo Điều 11.1(c) Nghị định 153, thời hạn hoàn thành việc phân phối trái phiếu là trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước đợt chào bán trái phiếu.

[10] Điều 1.8 Nghị định 65.

[11] Thời hạn này trước đây được quy định là trong thời hạn 01 ngày làm việc trước ngày phát hành trái phiếu tại Điều 19.1 Nghị định 153.

[12] Điều 1.14 Nghị định 65.

[13] Thời hạn trước đây được quy định tại Điều 20.1 Nghị định 153 là trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán trái phiếu.

[14] Điều 1.15 Nghị định 65.

[15] Điều 1.17 Nghị định 65.

[16] Điều 1.23 Nghị định 65.

[17] Điều 3.13 Nghị định 155.

[18] Điều 1.11 Nghị định 65.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.