BẢN TIN PHÁP LÝ SỐ THÁNG 12/2022 – NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG VIỆC VAY, TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA DOANH NGHIỆP

Kính gửi Quý khách hàng,

Ngày 30/09/2022, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 12/2022/TT-NHNN (“Thông tư 12”) hướng về dẫn quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp thay thế Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26/02/2016, Thông tư số 05/2016/ TT-NHNN ngày 15/4/2016 và Thông tư số 05/2017/ TT-NHNN ngày 30/6/2017. Trên cơ sở những quy định được áp dụng hiệu quả tại các văn bản trước, Thông tư 12 đã có sự sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2022.

Trong Bản tin pháp lý số này, những điểm sửa đổi, bổ sung đáng chú ý về việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp theo Thông tư 12 sẽ được chúng tôi tổng hợp và làm rõ.

1.            Nguyên tắc quản lý ngoại hối đối với các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hoá trả chậm

Khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là khoản nhập khẩu hàng hóa có ngày rút vốn đầu tiên trước ngày thanh toán cuối cùng. Trong đó:

(i)     Ngày rút vốn của khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là:

  • Ngày thứ 90 kể từ ngày phát hành chứng từ vận tải trong trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải;
  • Ngày thứ 45 kể từ ngày hoàn thành kiểm tra ghi trên tờ khai hải quan đã được thông quan trong trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản không yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải;

(ii)     Ngày thanh toán cuối cùng được xác định là:

  • Ngày thanh toán cuối cùng của thời hạn thanh toán theo hợp đồng;
  • Ngày thanh toán thực tế cuối cùng trong trường hợp không thực hiện theo hợp đồng hoặc hợp đồng không quy định cụ thể thời hạn thanh toán;

(iii)     Thời hạn khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm là thời hạn được xác định từ ngày rút vốn đầu tiên đến ngày thanh toán cuối cùng.

Ngoài ra, các khoản vay tự vay, tự trả dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài theo quy định tại Chương III Thông tư 12. Hiện nay, nguyên tắc này đã bổ sung thêm điểm mới theo Điều 4.3 Thông tư 12 như sau: Các giao dịch chuyển tiền trả nợ (gốc, lãi), trả phí liên quan đến khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hoá trả chậm không bắt buộc phải thực hiện qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài.

Đối với các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài trước thời điểm Thông tư 12 có hiệu lực tiếp tục thực hiện (rút vốn, trả nợ) theo các văn bản xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài. Trường hợp phát sinh các nội dung thay đổi được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài, Bên đi vay thực hiện trên cơ sở thỏa thuận với bên cho vay, không cần thực hiện đăng ký thay đối với Ngân hàng Nhà nước[1].

2.            Sử dụng Trang điện tử để khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả

So với các văn bản trước, Thông tư 12 đã thay đổi hình thức khai báo, đăng ký thay đổi và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay qua hình thức Trang điện tử thay vì được lựa chọn giữa hình thức truyền thống và sử dụng trang điện tử trước đó. Cụ thể: “Trường hợp bên đi vay lựa chọn khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi để giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, bên đi vay sử dụng Trang điện tử để khai báo thông tin liên quan đến khoản vay được đăng ký, khai báo thông tin về các nội dung đề nghị xác nhận đăng ký thay đổi trước khi gửi hồ sơ đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài[2]”. Tuy nhiên cần lưu ý, đối với việc báo cáo tình hình thực hiện khoản vay nước ngoài, bên đi vay phải sử dụng Trang điện tử để thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến theo quy định.

3.         Các khoản vay phải thực hiện đăng ký đối với Ngân hàng nhà nước

Ngoài việc sửa đổi về nguyên tắc quản lý ngoại hối đối với các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hoá trả chậm và sử dụng Trang điện tử để khai báo thông tin đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay và báo cáo tình hình thực hiện khoản vay tự vay, tự trả như đã đề cập ở trên, Thông tư 12 đã đưa ra quy định thêm về các khoản vay phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Các khoản vay đó bao gồm[3]:

(i)     Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài;

(ii)     Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 01 năm;

(iii)     Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 01 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.

4.         Thời hạn gửi hồ sơ đăng ký khoản vay

Bên đi vay gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký khoản vay nước ngoài tới Cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký trong thời hạn[4]:

(i)     30 ngày làm việc kể từ ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn;

(ii)     30 ngày làm việc kể từ ngày ký thỏa thuận gia hạn khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn đối với khoản vay được nêu tại mục 3.(ii) mà ngày ký thỏa thuận gia hạn trong vòng 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên;

(iii)    30 ngày làm việc kể từ ngày bên đi vay được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ngày ký hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng PPP), ngày các bên ký thỏa thuận vay nước ngoài để chuyển số tiền chuẩn bị đầu tư thành vốn vay (tùy thuộc ngày nào đến sau), áp dụng đối với khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành vốn vay nước ngoài.

(iv)     60 ngày làm việc tính từ ngày tròn 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với khoản vay được nêu tại mục 3.(ii) mà ngày ký thỏa thuận gia hạn sau 01 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên và khoản vay được nêu tại mục 3.(iii).

5.         Các trường hợp phải đăng ký thay đổi khoản vay

Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 12, bên đi vay có trách nhiệm thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với Ngân hàng Nhà nước nếu thay đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến khoản vay được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây bên đi vay chỉ cần thực hiện thông báo nội dung thay đổi trên Trang điện tử mà không cần thực hiện đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài. Cụ thể:

(i)     Thay đổi thời gian rút vốn, trả nợ gốc trong phạm vi 10 ngày làm việc so với kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận;

(ii)     Thay đổi địa chỉ của bên đi vay nhưng không thay đổi tỉnh, thành phố nơi bên đi vay đặt trụ sở chính, bên đi vay gửi thông báo về việc đổi địa chỉ cho Cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của bên đi vay;

(iii)     Thay đổi bên cho vay, các thông tin liên quan về bên cho vay trong khoản vay hợp vốn có chỉ định đại diện các bên cho vay, trừ trường hợp bên cho vay đồng thời là đại diện các bên cho vay trong khoản vay hợp vốn và việc thay đổi bên cho vay làm thay đổi vai trò đại diện các bên cho vay;

(iv)     Thay đổi tên giao dịch thương mại của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản, ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm;

(v)     Thay đổi kế hoạch trả lãi, phí của khoản vay nước ngoài so với kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước xác nhận tại văn bản xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài nhưng không thay đổi cách xác định lãi, phí quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài. Bên đi vay có trách nhiệm lập bảng tính lãi, phí phải trả để ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản có cơ sở kiểm tra, theo dõi khi thực hiện việc chuyển tiền;

(vi)     Thay đổi (tăng hoặc giảm) số tiền rút vốn, trả nợ gốc, lãi, phí trong phạm vi 100 đơn vị tiền tệ của đồng tiền vay nước ngoài so với số tiền đã nêu trong văn bản xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài;

(vii)     Thay đổi số tiền rút vốn, trả nợ gốc thực tế của một kỳ cụ thể ít hơn số tiền được nêu tại kế hoạch rút vốn, trả nợ trên văn bản xác nhận đăng ký hoặc văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài. Trong trường hợp này, trước khi thực hiện rút vốn, trả nợ số tiền còn lại của kỳ đó, bên đi vay có trách nhiệm đăng ký thay đổi kế hoạch rút vốn, trả nợ đối với số tiền còn lại chưa thực hiện theo quy định.

6.         Thời hạn gửi hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài

Hồ sơ đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài sẽ được gửi đi trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày[5]:

(i)      Các bên ký thỏa thuận thay đổi hoặc trước thời điểm thực hiện nội dung thay đổi (đối với trường hợp nội dung thay đổi không cần ký thỏa thuận thay đổi song vẫn đảm bảo phù hợp với thỏa thuận vay nước ngoài);

(ii)     Tổ chức kế thừa nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ngày các bên ký thỏa thuận về việc thay đổi bên đi vay trong trường hợp bên đi vay ban đầu bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập (tùy thuộc ngày nào đến sau) và trước khi tiếp tục rút vốn, trả nợ khoản vay nước ngoài;

(iii)    Bên đi vay hoàn thành việc cập nhật thông tin thay đổi tên và/hoặc thay đổi địa chỉ chuyển trụ sở chính sang tỉnh, thành phố khác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;

(iv)     Bên cho vay (hoặc tổ chức đại diện bên cho vay trong khoản vay hợp vốn – nếu có), bên bảo đảm, bên bảo lãnh hoặc các bên liên quan khác được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi gửi văn bản thông báo cho bên đi vay về việc đổi tên và trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền liên quan đến các bên này.

7.         Thẩm quyền xác nhận đăng ký, xác nhận đăng ký thay đổi

Ngoài các cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài như đã được nêu tại các văn bản trước, Thông tư 12 đã bổ sung thêm trường hợp đối với tỷ giá sử dụng để xác định Cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài là tỷ giá hạch toán do Bộ Tài chính công bố áp dụng tại thời điểm ký các thoả thuận vay nước ngoài hoặc thoả thuận thay đổi khoản vay nước ngoài liên quan đến số tiền vay[6].

8.         Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 35 Thông tư 12, đối với khoản vay nước ngoài có bảo lãnh, bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên cho vay nước ngoài (bên nhận bảo lãnh) khi được yêu cầu theo cam kết tại thỏa thuận vay, văn bản cam kết bảo lãnh (thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc hình thức cam kết bảo lãnh khác) đã ký kết giữa các bên liên quan, đảm bảo không trái quy định hiện hành của pháp luật.

Bên bảo lãnh là người cư trú chuyển tiền thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thông qua 01 ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, trong trường hợp bên bảo lãnh là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, việc chuyển tiền bảo lãnh không bắt buộc phải thực hiện qua ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thực hiện bảo lãnh ngân hàng và thông báo cho ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản về số tiền bảo lãnh đã thực hiện.

9.         Chế độ báo cáo đối với bên đi vay

Nếu như trước đây, hàng quý bên đi vay phải báo cáo khoản vay nước ngoài, thì tại Thông tư 12, định kỳ hàng tháng, chậm nhất vào ngày 05 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo, bên đi vay phải báo cáo trực tuyến tình hình thực hiện các khoản vay ngắn, trung và dài hạn tại Trang điện tử. Trường hợp Trang điện tử gặp lỗi kỹ thuật không thể gửi được báo cáo, bên đi vay gửi báo cáo bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư 12[7].

Trường hợp bên đi vay chưa được cấp tài khoản truy cập trên Trang điện tử cần khẩn trương thực hiện đăng ký, cập nhật tài khoản truy cập Trang điện tử theo quy định tại Điều 8, Điều 10 Thông tư 12 để thực hiện báo cáo theo quy định, tránh trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm chế độ báo cáo.  

10.      Chế tài xử phạt

 Doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng[8] nếu không thực hiện đúng quy định của pháp luật về thủ tục hành chính đối với: thủ tục chấp nhận chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước đầu tư; việc đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài, khoản phát hành trái phiếu quốc tế; đăng ký, đăng ký thay đổi khoản cho vay ra nước ngoài, khoản thu hồi nợ bảo lãnh cho người không cư trú; đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài; đăng ký chương trình cổ phiếu thưởng phát hành ở nước ngoài; đăng ký hạn mức tự doanh; đăng ký hạn mức tự doanh tạm thời; đăng ký hạn mức nhận ủy thác; đăng ký hạn mức nhận ủy thác tạm thời và các thủ tục hành chính khác liên quan đến giao dịch vốn khác; thủ tục hành chính đối với trường hợp đầu tư gián tiếp ra nước ngoài khác[9].

Đối với chế độ báo cáo, nếu doanh nghiệp có hành vi gửi báo cáo không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng[10][11] trừ các trường hợp sau:

(i)     Vi phạm quy định về thời hạn, yêu cầu đầy đủ, chính xác từ lần thứ hai trở lên trong năm tài chính của các báo cáo thống kê có định kỳ dưới 01 tháng;

(ii)     Gửi báo cáo về các chỉ tiêu thông tin tín dụng không đúng thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước;

(iii)    Báo cáo các chỉ tiêu thông tin tín dụng không chính xác, không kịp thời, không đầy đủ hoặc không đúng yêu cầu kỹ thuật cho Ngân hàng Nhà nước;

(iv)    Không báo cáo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tài trợ khủng bố.

Như thường lệ, chúng tôi hy vọng Quý khách hàng thấy bài viết này hữu ích và mong muốn được làm việc với Quý khách hàng trong thời gian tới.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH ENT

Quý khách hàng có thể tìm đọc bản đầy đủ của Bản tin pháp lý này tại đây.

———————————-

[1] Điều 51.1 Thông tư 12.

[2] Điều 5.1 Thông tư 12.

[3] Điều 11 Thông tư 12.

[4] Điều 15.2 Thông tư 12.

[5] Điều 18.2 Thông tư 12.

[6] Điều 20.4 Thông tư 12.

[7] Điều 41.1 Thông tư 12.

[8] Điều 3.3(b) Nghị định số 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

[9] Điều 23.3(g) Nghị định 88.

[10] Điều 3.3(b) Nghị định 88.

[11] Điều 47.1(b) Nghị định 88.

This site uses cookies to offer you a better browsing experience. By browsing this website, you agree to our use of cookies.